Theo Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia, vụ gặt đầu tiên thường diễn ra vào tháng 3- 4, nhưng năm tới sẽ là vào tháng 5. Điều này có thể khiến giá gạo tăng cao do nguồn cung căng thẳng trong quý I/2024.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia chỉ đạo Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia đảm bảo dự trữ gạo ở mức trên 1 triệu tấn nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Hiện Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia đang có 1,4 triệu tấn gạo dự trữ và được phép nhập khẩu 1,5 triệu tấn.
Trước đó, vào ngày 15/9, Tổng cục Thống kê Indonesia cho biết, lượng gạo nhập khẩu của quốc gia Đông Nam Á này trong 8 tháng đầu năm 2023 đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022, do Chính phủ Indonesia muốn lấp đầy kho dự trữ lương thực chính.
Tại cuộc họp báo, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Indonesia, bà Amalia Adininggar Widyasanti xác nhận, nước này đã nhập khẩu 1,59 triệu tấn gạo từ tháng 1 đến tháng 8, tăng mạnh so với mức 237.146 tấn nhập khẩu trong cùng kỳ năm 2022.
Hơn một nửa số gạo nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan, với 802.000 tấn, tiếp theo là gạo nhập khẩu từ Việt Nam với 674.000 tấn. Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ và Pakistan lần lượt là 66.000 tấn và 45.000 tấn.
Để đối phó với hiện tượng El Nino, Chính phủ Indonesia đã giao nhiệm vụ cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo trong năm 2023, đảm bảo đủ lượng gạo dự trữ trong kho trên cả nước.
Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, nước này muốn gia tăng kho dự trữ gạo chiến lược trong bối cảnh giá gạo trên thị trường toàn cầu đang tăng cao. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Indonesia bày tỏ quan ngại, ngay cả việc nhập khẩu hiện nay cũng khó khăn do một số nước áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo.
Trong khi đó, thời tiết nắng nóng cực đoan tại những nước trồng lúa gạo chủ chốt ở khu vực châu Á có nguy cơ ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch, đẩy giá gạo tăng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!