Tổng thống Iran Hassan Rouhani dự cuộc họp về COVID-19 tại Tehran hôm 18/07 (Nguồn: AP)
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết 25 triệu người Iran đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và cảnh báo ít nhất 30 đến 35 triệu người nữa có nguy cơ mắc bệnh.
Trước đó, hãng tin Tasnim News của Iran từng đưa tin phát ngôn viên của Bộ Y tế Iran, bà Sima Sadat Lari, cho biết tính đến thứ 7 (18/7) tổng số ca nhiễm tại quốc gia này chỉ là 271.606 – chỉ gần bằng 1% số ca nhiễm mà Tổng thống Rouhani vừa công bố tại buổi họp đặc biệt bàn về cách đối phó với đại dịch COVID-19.
Sự chênh lệch quá lớn về số ca bị nhiễm đang khiến cho người dùng mạng xã hội Iran không khỏi hoang mang.
"Tổng thống cho biết có khoảng 25 triệu ca nhiễm bệnh. Con số này gấp khoảng 6,5 lần các ca nhiễm ở Mỹ và gấp 12 lần so với Brazil. Con số này gấp khoảng 92 lần so với con số chính thức mà Bộ Y tế Iran công bố trước đó" là chia sẻ trên mạng xã hội Twitter của Mehdi Babaei, một nhà báo người Iran.
Nhiều người cũng đặt dấu hỏi về tỷ lệ số ca tử vong là bao nhiêu, nếu như số ca nhiễm tăng cao đến như vậy. Cả Tổng thống và đại diện Bộ Y tế Iran đều cho biết có khoảng 14 nghìn người đã thiệt mạng vì COVID-19 tại Iran.
"Làm sao có thể 13 nghìn thiệt mạng thôi, trong khi có đến 25 triệu người nhiễm COVID-19 cơ chứ?" chia sẻ trên Twitter của một người dùng.
Việc điều chỉnh số người nhiễm COVID-19 không phải là điều hiếm trên thế giới. Tại Trung Quốc, nơi dịch bùng phát đầu tiên, đã ít nhất có 2 lần điều chỉnh số ca bệnh.
Iran hiện đang trải qua giai đoạn khó khăn vì vừa phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây, vừa đối mặt với giá dầu thấp và dịch COVID-19 gây ra những căng thẳng trong xã hội.
Tuy nhiên, tình trạng mắc COVID-19 tại Iran có thể cao hơn nhiều con số được công bố thì cũng được người ta nói đến lâu rồi. Chịu cấm vận, khó khăn đủ bề, năng lực xét nghiệm thấp rõ ràng rất khó để Iran phản ánh đầy đủ số ca nhiễm.
Nguy hiểm hơn, năng lực xét nghiệm yếu đang được ví như một quả bom nổ chậm tại Trung Đông. Không chỉ Iran, các nước như Libăng, Iraq, Yemen hay Syria đều đang chịu kinh tế khủng hoảng, nội chiến, chống COVID-19 nhìn chung cũng chỉ có thể mang tính tương đối. Sức chịu đựng của người dân trong khu vực đang cho thấy dường như đã tới giới hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!