Quang cảnh bể nước muối của một mỏ lithium trên bãi muối Atacama ở sa mạc Atacama, Chile, ngày 16/8/2018. (Ảnh: Reuters)
Kế hoạch quốc hữu hóa nhằm kiểm soát ngành công nghiệp lithium của Chile đã gây ra làn sóng chấn động toàn cầu.
Tổng thống Chile Gabriel Boric tuần trước cho biết sẽ chuyển sang quốc hữu hóa dần ngành công nghiệp lithium của nước này, nơi nắm giữ trữ lượng kim loại lithium lớn nhất thế giới, nhằm thúc đẩy nền kinh tế Chile.
Các nhà phân tích cho biết, kế hoạch này dựa trên những cuộc đàm phán với các nhà sản xuất lithium, quan hệ đối tác công tư với các công ty công nghệ, đàm phán căng thẳng với những đối thủ chính trị và thành lập một công ty lithium quốc gia. Tất cả công việc trên đều có thể mất nhiều năm để hoàn thành.
Ví dụ, quốc hội bị chia rẽ của Chile đã cản trở phần lớn chương trình nghị sự tiến bộ của Tổng thống Boric và chính phủ nước này sẽ cần sự hỗ trợ từ các đảng đối lập.
Daniela Desormeaux, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đồng Chile (Cesco) cho biết: "Chúng tôi cần các dự án được phát triển càng sớm càng tốt nếu muốn Chile được hưởng lợi từ sự bùng nổ (lithium) này". Phần phức tạp nhất của kế hoạch cần sự hỗ trợ về mặt pháp lý.
Tổng thống Chile Gabriel Boric xem xét các mẫu và ứng dụng của lithium khi đến thăm Đại học de Antofagasta tại thành phố Antofagasta, ngày 21/4. (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Chile Nicolas Grau nói với Reuters hồi đầu tuần rằng chính phủ nước này muốn bắt đầu đàm phán với các nhà sản xuất hiện nay vào giữa năm 2023 và có một thỏa thuận trước khi Tổng thống Boric kết thúc nhiệm kỳ của vào năm 2026.
Sự hợp tác đầy đủ từ các nhà sản xuất lithium hiện có Albemarle và SQM khó có thể xảy ra, với việc Albemarle đã xác nhận rằng họ sẽ giữ nguyên hợp đồng cho đến khi hết hạn vào năm 2043.
SQM vào ngày 26/4 cho biết, họ đã sẵn sàng bắt đầu việc đàm phán sớm với chính phủ.
Hơn nữa, các yêu cầu mới đối với kỹ thuật khai thác lithium chưa được chứng minh. Và thời gian xem xét quy định môi trường kéo dài có thể là "một lực cản đối với sự phát triển của các dự án lithium", Nicholas Watson, từ công ty tư vấn Teneo cho biết.
Chile là quốc gia sản xuất lithium lớn nhất thế giới cho đến khi Australia vượt qua nước này vào năm 2017. Một báo cáo của JPMorgan lưu ý rằng ngành công nghiệp lithium đang phát triển của Argentina, vốn có xu hướng thu hút các nhà sản xuất tư nhân, có thể vượt Chile vào năm 2028. Theo báo cáo, Argentina hiện có nhiều dự án lithium đang được triển khai hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
SQM và Albemarle, hai công ty duy nhất hiện đang khai thác lithium ở Chile, đã tổ chức các cuộc họp sơ bộ với Văn phòng Phát triển nhà nước của Chile trong tuần này để thảo luận về kế hoạch của chính phủ.
SQM cho biết, họ sẽ cần thêm 2 tỷ USD để đáp ứng các mục tiêu bền vững về môi trường, đồng thời phù hợp với chiến lược lithium của Chính phủ Chile.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!