Khi di sản oằn mình trước biến đổi khí hậu

Nguyễn Mai (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ tư, ngày 20/11/2019 18:41 GMT+7

Nhiều du khách bị mắc kẹt tại Venice do nước dâng quá cao

VTV.vn - Biến đổi khí hậu giống như những "cơn bệnh", đang khiến hàng loạt di sản thế giới trở nên "ốm yếu" và có thể biến mất.

Cùng với thời gian, bệnh tật khiến con người trở nên già nua và yếu đuối. Nhưng đâu phải chỉ mỗi con người mới cảm nhận được những "nỗi đau" khi trái gió trở trời, những di sản cũng chịu cùng cảnh ngộ đó. Không chỉ thời gian, mà biến đổi khí hậu giống như những "cơn bệnh", đang khiến hàng loạt di sản thế giới trở nên "ốm yếu", và có thể biến mất.

Những vết hằn trên lưng di sản

Venice là thành phố duy nhất trên thế giới có đến 444 cây cầu, và phương tiện di chuyển ở thành phố này thì hoặc là những chiếc "thuyền taxi", hoặc là đi bộ. Nhưng sắp tới đây, nếu Venice bị nhấn chìm trong nước, thì có lẽ người ra nên cân nhắc tới việc xây thêm nhiều cầu hơn nữa.

Phải lâu lắm rồi, chính xác hơn là đã 50 năm, Venice mới lại bị ngập nặng như những ngày này. Và ủng chắc hẳn là thứ bán chạy nhất tại Venice do tình trạng ngập lụt kéo dài. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thậm chí đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cho đóng cửa nhiều khu du lịch.

Ngành du lịch Italy ước tính thiệt hại đến thời điểm này có thể lên tới hàng trăm triệu euro. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Người dân đất nước hình chiếc ủng lo ngại rằng những di sản có tuổi đời hàng trăm năm của họ có thể bị tàn phá bởi dòng nước lũ. Điều lo ngại của họ là có cơ sở. Bởi biến đổi khí hậu khiến thủy triều dâng cao bất thường, đang nhấn chìm 85% đường phố và các tòa nhà. Venice đang bị "nước ăn mòn chân".

Cách gần nửa vòng trái đất, một biểu tượng của di sản văn hóa Trung Hoa - Vạn Lý Trường Thành, cũng đang "oằn mình" chịu đựng những vết thương. Không phải "nước mắt nàng Mạnh Khương làm sụp Thành vạn lý", mà bức tường thành 21.196km này đang bị sạt lở nhiều chỗ do những bước chân của khách du lịch, và đương nhiên, của cả mưa gió nữa. Hàng ngàn năm sừng sững giữa đất trời, là ngần ấy thời gian Vạn Lý Trường Thành phải chịu những trận động đất, những cơn bão, những trận mưa axit, khiến những viên gạch chắc chắn là thế, nay đã xói mòn và bạc màu.

Khi di sản oằn mình trước biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Kim tự tháp bị ăn mòn do những trận bão cát

Giống như một báu vật còn sót lại của lịch sử, Kim tự tháp Ai Cập – kỳ quan cuối cùng của thế giới cổ đại, cũng có thể sẽ biến mất, dưới tác động của những cơn bão cát và mưa axit. Mưa axit là một trong những hệ quả của biến đổi khí hậu, do sự gia tăng lượng oxit của lưu huỳnh và nitơ ở trong khí quyển, bắt nguồn từ những hoạt động của con người gây nên khi xả khí SO2 vào khí quyển.

Biến đổi khí hậu đe dọa "nuốt chửng" hàng chục di sản thế giới

Hãy cầm hộ chiếu và nhấc balo lên để tận hưởng không khí Địa Trung Hải đầy nắng gió. Nhưng hãy nhanh lên, trước khi biến đổi khí hậu gây tổn hại cho một số di sản và kỳ quan. Đấy là lời khuyên được hãng tin CNN đưa ra, trước nhiều nghiên cứu đều có chung một kết luận, rằng "Di sản đang dần biến thành lịch sử".

Trên khắp khu vực Địa Trung Hải, nguy cơ lũ lụt có thể tăng 50% và nguy cơ xói mòn tăng lên 13% vào năm 2100, nhất là tại các địa điểm có các di sản thế giới, hoặc các khu vực được chọn để bảo tồn do tầm quan trọng của chúng trong lịch sử loài người.

Khi di sản oằn mình trước biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Di sản thế giới ở quần đảo Orkney, Scotland sắp bị nước biển nhấn chìm

Tháng 10 vừa qua, các chuyên gia Anh cảnh báo tình trạng nước biển dâng, lượng mưa lớn hơn và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gây nguy hiểm cho các di tích khảo cổ mang nhiều giá trị lịch sử tại vùng Scotland. Lượng mưa và tuyết trong mùa Đông đang tăng tới hơn 70% tại nhiều khu vực ở phía Bắc Scotland. Thời tiết ẩm ướt hơn làm tăng nguy cơ nước xâm nhập và phá hỏng các công trình kiến trúc, khiến chúng dễ bị sụp đổ.

Con người dù đã nhận thức được mức ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, song vẫn còn quá ít những nỗ lực bảo tồn di sản. Những di sản của nhân loại này đang giống như những lâu đài trên cát, có thể biến mất bất cứ lúc nào.

Ứng phó với biến đổi khí hậu dựa trên môi trường tự nhiên

Khi di sản oằn mình trước biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Vạn lý trường thành bị xói mòn do mưa axit – hệ quả của biến đổi khí hậu

Bắc Kinh - Một buổi chiều tháng 6 năm 2019

Anh Cheng Yongmao, một trong những nhân viên xây dựng thuộc đội trùng tu di tích Vạn Lý Trường Thành, đang cẩn thận bê từng mảng tường bị bong tróc, vá vào những vết nứt.

Sự tàn phá của thiên nhiên, thời gian, sự lãng quên và hàng triệu bước chân đã gây thiệt hại cho Vạn Lý Trường Thành, khiến công trình này bị xói lở, và làm cho quá trình sửa chữa gặp nhiều khó khăn. Giới chức Trung Quốc chọn cách sử dụng những viên gạch tường bị bong, cùng với đá và vữa để "vá lại những vết thương" do thiên nhiên và dấu chân con người để lại.

Bắc Kinh cũng đang lên kế hoạch phun một lớp chống thấm lên Vạn Lý Trường Thành, để bảo vệ nó khỏi những cơn mưa axit. Chính phủ Trung Quốc cũng kêu gọi người dân và các doanh nghiệp giảm lượng khí thải các-bon ra môi trường – nguyên nhân chính khiến nhiệt độ trái đất tăng lên, kéo theo nhiều kiểu thời tiết cực đoan.

Khi di sản oằn mình trước biến đổi khí hậu - Ảnh 4.

Hệ thống ngăn nước biển dâng tại Venice

Đó là "cách chữa bệnh từ trên trời", thế còn "cách chữa bệnh từ dưới đất" thì sao?

Kênh truyền hình NHK của Nhật Bản dẫn lời thị trưởng Venice, cho hay chỉ trong vòng một tuần "ngâm chân trong nước", Venice đã thiệt hại khoảng 1 tỷ euro. Đó là thiệt hại có thể trông thấy được.

Giới chức Italy đang tính đến phương án tái khởi động dự án đê ngăn lũ MOSE (viết tắt tiếng Italy của "Module điện cơ thí nghiệm"), lấy cảm hứng từ Thánh Moses rẽ nước Biển Đỏ trong Kinh thánh. MOSE gồm 78 cổng cơ động khổng lồ dưới nước để chống lũ, ngăn nước từ biển Adriatic và đầm phá Venetian. Các cổng được thiết kế để trồi lên khi triều cường bất ngờ dâng cao. Chúng sẽ bịt kín đầm phá lại. Thế nhưng cách này có thể sẽ khiến hệ sinh thái trong đầm phá của Venice có thể bị hủy hoại nếu bị bịt kín lại.

Vậy có cách nào dựa trên tự nhiên để khắc phục những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hay không?

Lãnh đạo các quốc gia đã cùng nhất trí trong Hội nghị về Biến đổi khí hậu hồi tháng 9 năm nay tại New York, rằng cần phải bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái một cách bền vững, giảm khí thải, ngăn chặn tàn phá rừng và phát triển nông nghiệp sạch. Đó là những cách tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm của các chính phủ và người dân để kiểm soát lượng khí thải nhà kính – nguyên nhân sâu xa dẫn đến biến đổi khí hậu.

Theo: AFP, BBC, CNN, AP, ChinaHighlights, NHK.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước