Trong những ngày qua, các tổ chức theo dõi tình trạng bạo lực đối với báo chí đã ghi nhận các tình huống trên. Điều này cho thấy sự khó khăn và nguy hiểm của các nhà báo, phóng viên khi cố gắng truyền tải thông tin tới khán giả của mình trong bối cảnh bạo động.
"Tôi đã bị mù vĩnh viễn một bên mắt trái. Bác sĩ không cho phép tôi quay lại làm việc trong ít nhất 6 tuần nữa. Và tôi không được ở gần khói hay khí gas".
Đây là dòng thông tin được nữ phóng viên Linda Tirado cập nhật về tình trạng sức khỏe của mình sau khi bị trúng đạn cao su trong lúc đang đưa tin về biểu tình ở thành phố Minneapolis, Mỹ hôm 29/5.
Cô cho biết có thể đó là từ phía cảnh sát. Tuy nhiên, người phát ngôn sở cảnh sát Minneapolis nói họ đã không sử dụng đạn cao su từ hàng chục năm nay và có khả năng đây là hậu quả từ đám đông biểu tình.
Hai nhà báo truyền hình của hãng tin Reuters hôm 30/5 bị thương khi lực lượng thực thi pháp luật cố gắng giải tán đám đông tụ tập sau giờ giới nghiêm. Ngoài ra, 8 phóng viên của hãng tin AP cũng đã bị thương khi đưa tin trong các vụ biểu tình.
Vào cuối tuần trước, Trụ sở đài truyền hình CNN tại thành phố Atlanta, bang Georgia đã bị người biểu tình tấn công và làm hư hại.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Tin tức kỹ thuật số phát thanh truyền hình Mỹ, Dan Shelly bày tỏ lo ngại về tình hình hiện nay, đồng thời cho rằng việc các phóng viên bị tấn công sẽ cản trở việc chuyển tải tới công chúng thông tin về những gì đang diễn ra trên thực tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!