Một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên mặt đất năm 2020 từ cơ sở Plesetsk ở tây bắc nước Nga. Nga hiện có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. (Ảnh: AP)
Mới đây, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh khẳng định rằng Mỹ không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột tại Ukraine.
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 19/11, bà Singh nhấn mạnh: "Chúng tôi không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine".
Ngày 19/11, Nga đã công bố học thuyết hạt nhân mới, cho phép nước này sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công thông thường từ quốc gia phi hạt nhân nếu quốc gia đó nhận được sự hỗ trợ từ cường quốc hạt nhân. Học thuyết mới được Tổng thống Vladimir Putin ký ban hành nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Nga dưới hình thức này sẽ được coi là một cuộc tấn công phối hợp nhằm vào Liên bang Nga.
Nguyên tắc cơ bản của học thuyết là sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền đất nước. Văn kiện nêu rõ việc xuất hiện các nguy cơ và mối đe dọa quân sự mới buộc Nga phải làm rõ điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân.
Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh (Ảnh: Getty Images)
Ngoài ra, Nga cũng bảo lưu quyền xem xét đáp trả hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước đe dọa chủ quyền của mình, việc phóng quy mô lớn máy bay, tên lửa và thiết bị không người lái nhằm vào lãnh thổ Nga, việc chúng vượt qua biên giới Nga hay một cuộc tấn công đồng minh Belarus.
Theo giải thích từ Điện Kremlin, học thuyết hạt nhân cập nhật của Nga được công bố đúng kế hoạch.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra các chỉ thị liên quan trước đó. Chính Tổng thống tuyên bố rằng việc chuẩn bị các nội dung sửa đổi đang ở giai đoạn cuối. Tài liệu cập nhật đã được công bố đúng thời hạn".
Phiên bản trước của học thuyết hạt nhân này được phê chuẩn tháng 6/2020, thay thế văn kiện tương tự đã có hiệu lực trong 10 năm.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ukraine đã sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công khu vực Bryansk của Nga vào ngày 19/11. Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống phòng không đã bắn hạ 5 trong số 6 tên lửa, với một tên lửa rơi xuống cơ sở quân sự, gây hỏa hoạn nhưng không gây thương vong. Ukraine tuyên bố vụ tấn công nhằm vào kho vũ khí quân sự của Nga.
Khoảnh khắc Ukraine phóng tên lửa ATACMS vào lãnh thổ Nga (Ảnh chụp màn hình)
Theo Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh, việc Nga cập nhật học thuyết hạt nhân của mình không phải là điều bất ngờ đối với Bộ Quốc phòng Mỹ. Đồng thời, động thái này không làm thay đổi lập trường hạt nhân hiện tại của Washington, vốn được thiết lập dựa trên các yếu tố chiến lược dài hạn.
Tuy vậy, cộng đồng quốc tế tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng. Việc Nga mở rộng học thuyết hạt nhân được cho là nhằm gia tăng khả năng răn đe trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây leo thang. Các chuyên gia đánh giá rằng đây là động thái mang tính chiến lược nhiều hơn là dấu hiệu về ý định triển khai thực tế.
Trước bối cảnh này, cộng đồng quốc tế vẫn kêu gọi duy trì đối thoại giữa Nga, Ukraine và các bên liên quan là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo ổn định khu vực và ngăn ngừa nguy cơ xung đột leo thang. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến đã kéo dài gần 1.000 ngày mà chưa có giải pháp hòa bình rõ ràng, những nỗ lực ngoại giao càng trở nên cấp thiết để giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy hòa bình lâu dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!