Không "ngủ quên trên thành công", đừng bỏ qua những vũ khí hiệu quả chống Omicron

Chuyển động 24h-Thứ sáu, ngày 17/12/2021 11:26 GMT+7

VTV.vn - Thế giới vào lúc này đang dõi theo đầy lo lắng Omicron, biến thể đáng lo ngại mới nhất của virus SARS-CoV-2 đã lan đến khoảng 80 quốc gia.

Tuy nhiên, trên thực tế, biến thể Omicron đã lan rộng hơn do các nước chưa phát hiện kịp. Điều mà thế giới quan tâm nhất lúc này là các đột biến của Omicron có giúp chủng virus này lây dễ hơn hay gây bệnh nặng hơn không.

Omicron - Những tin tốt và tin xấu


Omicron "nhẹ tay với số đông nhưng mạnh tay với số ít"

Nhận định của chuyên gia đến lúc này cho thấy, Omicron có thể "nhẹ với số đông nhưng nặng với số ít". Nguyên nhân là do các nghiên cứu đến lúc này cho thấy, Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn các chủng trước của virus SARS-CoV-2.

Không ngủ quên trên thành công, đừng bỏ qua những vũ khí hiệu quả chống Omicron - Ảnh 2.

Biến thể Omicron đang lan rộng hơn do nhiều nước chưa kịp phát hiện (Ảnh: Guardian)

Theo một trong những nghiên cứu trên thực địa lớn nhất từ trước tới nay được tiến hành ở Nam Phi, nước nằm trong số những nơi phát hiện Omicron đầu tiên, bệnh nhân nhiễm Omicron có thời gian nằm viện ngắn hơn, đó là tin tốt.

Tuy nhiên, biến thể này lại đang lây lan nhanh hơn bất kỳ chủng nào khác của virus SARS-CoV-2, thậm chí là tới mức bùng nổ ở một số nước như Nam Phi, Anh. Và nó lại có cả khả năng nhiễm vào người đã từng mắc COVID-19 trước đây.

Tin xấu từ Omicron

Do đó, biến thể Omicron đang tấn công chủ yếu vào những người chưa tiêm vaccine, chưa tiêm liều vaccine tăng cường thuộc nhóm dễ tổn thương, người từng mắc COVID-19 chủng khác. Vì vậy, số người mắc COVID-19 tăng lên và vẫn có nguy cơ khiến hệ thống y tế quá tải, cũng như dẫn đến số ca tử vong tăng.

Omicron phát triển nhanh gấp 70 lần Delta ở phế quản. Số liệu gây sốc này được các nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong, Trung Quốc mới đưa ra. Nhóm các nhà khoa học sử dụng mẫu mô phế quản lấy từ bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật và cho chúng lây nhiễm Omicron. Họ nhận thấy sau 24 giờ, biến chủng Omicron sao chép nhanh gấp 70 lần so với Delta. Tuy nhiên, trong môi trường phổi người, Omicron nhân bản chậm hơn 10 lần so với chủng virus SARS-COV-2 gốc, điều này có thể lý giải việc người mắc biến thể này ít có xác suất chuyển nặng hơn.

Không ngủ quên trên thành công, đừng bỏ qua những vũ khí hiệu quả chống Omicron - Ảnh 3.

Rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, xét nghiệm, truy vết, cách ly nghiêm túc và tiêm vaccine là những mắt xích chống dịch rất hiệu quả cho tới nay. (Ảnh: AP)

Đã có ca tử vong do Omicron

Trong tuần qua, ca tử vong đầu tiên trên thế giới vì biến thể Omicron đã được ghi nhận tại Anh. Dù chưa có dữ liệu về người này đã tiêm vaccine hay chưa, nhưng rõ ràng ca tử vong này cho thấy nguy cơ từ Omicron đối với sức khỏe con người. Giới chức Anh cảnh báo, nếu không kiểm soát được Omicron, rất có thể từ nay tới tháng 4/2022, biến chủng này có thể gây ra thêm 75.000 ca tử vong tại nước này.

Tốc độ lây lan

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến nay, Omicron "có thể" đã lan rộng đến hầu hết các quốc gia mà không bị phát hiện "với tốc độ chưa từng thấy" ở bất kỳ biến thể nào của virus SARS-CoV-2.

Omicron né miễn dịch cao hơn

Một nghiên cứu được nhà nghiên cứu David Montefiori tại Đại học Duke University công bố cho thấy, các kháng thể trong mẫu máu người được tiêm đủ hai mũi vaccine của Moderna ít hiệu quả trong việc ngăn chặn biến thể Omicron.

Không chỉ vậy, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 2 mũi vaccine của Pfizer-BioNTech cũng giảm khả năng bảo vệ chống lại Omicron. Những thông tin này càng khiến các chuyên gia thúc giục người dân trên toàn thế giới tiêm chủng và tiêm cả liều tăng cường.

Những "vũ khí" cũ vẫn hiệu quả nhưng dễ bị bỏ qua

Câu hỏi được đặt ra lúc này là cái gì sẽ ngăn chặn được Omicron? Trong 2 năm đại dịch diễn ra, trải qua nhiều đợt phong tỏa và nhất là từ khi vaccine phủ rộng dần, nhiều người trở nên mất kiên nhẫn, không còn muốn áp dụng những biện pháp chống dịch. Tuy nhiên, điều này là sai lầm. Những vũ khí chúng ta đang có cho tới lúc này vẫn được khẳng định là hiệu quả, kể cả với biến thể mới Omicron.

Rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, xét nghiệm, truy vết, cách ly nghiêm túc và tiêm vaccine là những mắt xích chống dịch rất hiệu quả trong suốt 2 năm qua. Khi dịch bệnh có dấu hiệu lắng xuống nhờ chính những biện pháp này, nhiều người lại trở nên chủ quan, coi thường virus dù có những lo ngại ngày càng tăng về biến thể Omicron.

Ngủ quên trên thành công bước đầu sẽ khiến cho con người khó phản ứng kịp nếu một đợt dịch mới bùng phát. Do đó, xin đừng quên một vũ khí mà chúng ta đã có, đó là vaccine. Nghiên cứu chỉ ra rằng, vaccine của Pfizer-BioNTech vẫn có tác dụng bảo vệ 70% người bệnh khỏi nguy cơ nhập viện vì Omicron.

Và dù sự kiên nhẫn của công chúng có giảm cùng với cảm giác tự mãn, nhiều chính phủ vẫn phải tái áp đặt những biện pháp phòng dịch mạnh tay để chống Omicron, một hiện thực mang tính đánh thức mạnh mẽ đối với người dân.

Omicron nhân bản trong phế quản người nhanh gấp 70 lần so với biến thể Delta Omicron nhân bản trong phế quản người nhanh gấp 70 lần so với biến thể Delta Nguy cơ Omicron thành chủng lây nhiễm chính tại châu Âu Nguy cơ Omicron thành chủng lây nhiễm chính tại châu Âu Vaccine và thuốc điều trị hiệu quả với Omicron: Lạc quan nhưng không chủ quan! Vaccine và thuốc điều trị hiệu quả với Omicron: Lạc quan nhưng không chủ quan!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước