Khủng hoảng năng lượng tại hàng loạt quốc gia, kinh tế thế giới bị đe dọa

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 06/10/2021 08:16 GMT+7

VTV.vn - Giá khí đốt và giá dầu tăng cao hiện nay cho thấy một thực tế, việc thế giới muốn từ bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch truyền thống sẽ còn nhiều gian nan.

Nước Anh đang trải qua một đợt khan hiếm nghiêm trọng xăng dầu, nhiều công ty ở nước này đang bị gián đoạn hoạt động vì không có nhiên liệu, nhiều trạm xăng phải đóng cửa trong khi hàng dài xe cộ vẫn chờ đợi. Giá năng lượng tăng chóng mặt và người tiêu dùng lo ngại về hóa đơn tiền điện trong mùa đông sắp tới.

Ông Kwasi Kwarteng - Bộ trưởng Thương mại Anh cho biết: "Chúng ta đang ở giai đoạn mà giá nhiên liệu đã tăng đáng kể, tôi đang có các số liệu ở đây, giá đã tăng gấp 4 lần trong 6-7 tháng qua. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị cho việc giá tăng trong dài hạn".

Tình trạng khan hiếm xăng dầu ở Anh xuất phát từ một số nguyên nhân đặc thù, bao gồm thiếu tài xế lái xe chở xăng dầu sau Brexit, nhưng câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra ở châu Âu và châu Á.

Tại châu Âu, tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng bắt đầu nổi lên khi lượng khí đốt dự trữ trong khu vực xuống thấp nhưng nguồn cung khí đốt cung cấp từ một số quốc gia, đặc biệt từ Nga, Na Uy bị hạn chế. Giá khí đốt tăng chóng mặt trong lúc mùa đông đang đến gần. Riêng trong năm nay, giá khí đốt tại thị trường châu Âu đã tăng 280%. Tại Mỹ, giá khí đốt cũng đã tăng hơn 180% trong vòng 12 tháng qua.

Theo các chuyên gia, có một số nguyên nhân chung đẩy thế giới vào tình trạng khan hiếm năng lượng và giá nhiên liệu tăng cao.

Khủng hoảng năng lượng tại hàng loạt quốc gia, kinh tế thế giới bị đe dọa - Ảnh 1.

Bà Kadri Simson - Cao ủy châu Âu về Năng lượng nói: "Giá điện đang tăng trên toàn châu Âu, điều này là do sự kết hợp của các yếu tố. Nhưng chủ yếu là do giá khí đốt tự nhiên cao và nhu cầu sử dụng sau đại dịch gia tăng. Đây là diễn biến chung của thế giới, hầu hết các nước đều bị ảnh hưởng bất kể vị trị địa lý hay sự sắp xếp thị trường. Về lâu dài, lời giải cho bài toán hóc búa này đã rõ, chúng ta cần nhiều năng lượng tái tạo hơn và cần cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng".

Cụ thể hơn thì năm 2020, khi COVID-19 mới trở thành đại dịch, kinh tế toàn cầu sụt tốc, kéo nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm theo. Để cứu giá dầu giảm dưới mức 0, OPEC+, đã cắt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu. Các công ty dầu khí lớn cũng hoãn các dự án đầu tư phát triển mỏ mới. Nhưng năm nay, khi hoạt động kinh tế tăng mạnh trở lại, nguồn cung dầu lửa và khí đốt đều tăng không kịp. Điều đó có nghĩa là nhu cầu phục hồi nhanh hơn nguồn cung, buộc giá phải tăng.

Ngoài ra, một số nước muốn dựa nhiều hơn vào nguồn năng lượng xanh, thế nhưng năng lượng tái tạo thực tế chưa đủ sức để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng vọt. Ví dụ với các nước ở Anh hoặc châu Âu, không may là những đợt gió của năm nay lại yếu hơn bình thường, khiến sản lượng của các nhà máy điện gió bị giảm xuống thấp.

Kinh tế thế giới bị đe dọa

Giá xăng, dầu tăng mạnh cũng đồng nghĩa với nguy cơ hóa đơn tiền điện trong mùa đông sắp tới cũng tăng cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và còn làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát trong ngắn hạn. Tất cả những tác động này như một đòn giáng nữa vào nền kinh tế thế giới, vốn đang vật lộn để có thể phục hồi dưới tác động quá lớn từ đại dịch.

Khủng hoảng năng lượng tại hàng loạt quốc gia, kinh tế thế giới bị đe dọa - Ảnh 2.

Các nhà phân tích cho rằng, còn quá sớm để hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, nhưng một đòn giáng mạnh vào hoạt động kinh tế dường như là không thể tránh khỏi. Người dân ở các quốc gia như Anh, Tây Ban Nha, Italy hay Pháp hiện đang phải đối mặt với các hóa đơn năng lượng cao nhất mọi thời đại, làm tăng thêm những khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra.

Ông Jonathan Brearley - Người đứng đầu Cơ quan quản lý năng lượng Ofgem, Anh nói: "Giá năng lượng đang thay đổi ở mức mà chúng ta chưa thấy trước đây. Và khi nhìn vào tác động của nó, tôi muốn nhấn mạnh là không may, sự biến động giá cả này, cuối cùng người chịu ảnh hưởng sẽ là các khách hàng".

Giá khí đốt và xăng dầu tăng cao cũng có thể khiến lạm phát trên thế giới tăng cao hơn. Tại Đức, với việc chi phí sản xuất ở các nhà máy đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, thì việc giá điện và nhiên liệu tăng có thể khiến lạm phát tiêu dùng tăng thêm 0,25 điểm phần trăm vào năm sau.

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, nếu nhiệt độ ở Mỹ giảm sâu trong những tháng mùa đông sắp tới, nhu cầu tiêu thụ khí đốt để sưởi ấm sẽ càng tăng mạnh, khiến lượng tồn kho khí đốt của nước này giảm sâu thêm và giá sẽ còn lên cao hơn nữa. Giá khí đốt tăng cao có thể khiến lạm phát ở Mỹ thêm trầm trọng.

Trong khi đó, với Trung Quốc, việc thiếu hụt năng lượng trên diện rộng đã buộc các nhà máy phải hạn chế sản xuất và khiến các nhà kinh tế phải cắt giảm dự báo tăng trưởng. Khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới nhiều lĩnh vực của ngành công nghiệp thế giới. Việc các tập đoàn hóa dầu lớn của Trung Quốc bị ngừng hoạt động do thiếu điện đã khiến giá polyme cơ bản tăng 10%.

Khủng hoảng năng lượng đe dọa đà phục hồi toàn cầu Khủng hoảng năng lượng đe dọa đà phục hồi toàn cầu

VTV.vn - Châu Âu và Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung năng lượng. Cung không đủ cầu, khủng hoảng năng lượng đang lan nhanh.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước