Khủng hoảng nước ở những "miệng giếng tử thần" Tây Ban Nha

Nguyễn Mai (Theo DW, The Guardian)-Thứ hai, ngày 25/05/2020 16:46 GMT+7

Một em bé đã rơi xuống miệng giếng bất hợp pháp này và tử vong

VTV.vn - Tây Ban Nha là quốc gia khô cằn nhất châu Âu, lượng mưa rất không đồng đều và nước khan hiếm. Tuy nhiên, hành động của con người đang làm vấn đề trầm trọng hơn.

Một em bé đã thiệt mạng hồi đầu năm nay vì rơi xuống một miệng giếng khoan bất hợp pháp. Câu chuyện đau lòng này hóa ra lại không phải là điều hy hữu. Có vẻ người dân ở Tây Ban Nha đã quá quen với những miệng giếng tử thần như thế này do khủng hoảng nước ngày càng trở nên trầm trọng.

Các đội cứu hộ đã phải đào trong hai tuần để mở rộng miệng một chiếc giếng ở vùng nông thôn Andalusia, trong nỗ lực cố gắng cứu một cậu bé rơi xuống giếng. Bé Julen Rosello 2 tuổi được tìm thấy đã tử vong trong một chiếc giếng khoan bất hợp pháp tại thị trấn Totalán.

Dựa trên các khảo sát về những miệng giếng bất hợp pháp đã được ghi lại, các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng có hơn một triệu giếng khoan trái phép nằm rải rác trên khắp cả nước. Những người nông dân sẽ tự khoan lỗ sâu từ 20 đến 1.200 m để lấy nước tưới cho cây trồng của họ.

Những chiếc giếng bất hợp pháp này được biết đến ở địa phương là pozos luneros , hay "giếng trăng", bởi vì chúng thường được đào khi đêm xuống - thời điểm giới chức địa phương "nhắm mắt" không quản lý.

Khủng hoảng nước ở những miệng giếng tử thần Tây Ban Nha - Ảnh 1.

Vùng màu da cam là khu vực nước bị khai thác quá mức hoặc bị nhiễm độc, vùng màu canh là khu vực nước đủ tiêu chuẩn chất lượng - Ảnh: DW

Tây Ban Nha đang "khát nước"

Những giếng khoan bất hợp pháp không phải là một hiện tượng mới. Những người nông dân đã sử dụng chúng trong nhiều thập kỷ để lấy nước tưới cho cây trồng. Một giếng này cạn, chiếc giếng khác sẽ xuất hiện ngay. Cùng với phần còn lại của châu Âu, Tây Ban Nha đã trải qua nắng nóng nghiêm trọng hồi năm 2018. Chưa kể mưa đã khan hiếm tại khu vực này trước đó một thời gian dài. Từ năm 2016 đến 2017, lượng mưa đã giảm 12 %. Trong năm 2017, một phần tư quốc gia được đặt trong "tình huống khẩn cấp" do thiếu nước.

Các hồ chứa ngầm cũng xuống mức thấp kỷ lục.

Dâu tây xuất khẩu

Các nước ở Nam Âu cung cấp sản phẩm cho phần còn lại của châu Âu. Cà chua, rau diếp, đào, lê và 30% sản lượng dâu tây của lục địa được trồng ở miền nam Tây Ban Nha. Lúa, một loại cây trồng cần nhiều nước, cũng được trồng dọc theo đồng bằng Guadalquivir ở Tây Ban Nha.

Khủng hoảng nước ở những miệng giếng tử thần Tây Ban Nha - Ảnh 2.

Ngành công nghiệp dâu tây của Tây Ban Nha trị giá 400 triệu Euro mỗi năm - Nguồn: DW

Trong khoảng thời gian nước ngầm bắt đầu được điều tiết ở Tây Ban Nha vào giữa và cuối những năm 1980, việc sản xuất dâu tây và trồng lúa của Tây Ban Nha đã tăng lên. Vì những cây trồng này cần nhiều nước hơn, nông dân bắt đầu đào thêm giếng theo quy định được phép, nhưng họ sử dụng nhiều hơn hạn ngạch cho phép. Và thế là các giếng bất hợp pháp, không được đăng ký dần xuất hiện.

Khi quy định về nước thay đổi vào năm 1985, đòi hỏi chủ đất phải đăng ký số lượng giếng đào với giới chức địa phương, nhiều người đã trốn đăng ký.

Việc sử dụng nước không bền vững ở miền nam Tây Ban Nha có thời điểm còn khiến một số cửa hàng tạp hóa và công ty thực phẩm quốc tế của Anh gây áp lực lên chính quyền địa phương và người trồng dâu tây trong khu vực để thay đổi thói quen tưới tiêu lãng phí nước.

Những biện pháp mạnh tay được đưa ra

Trong hai năm qua, chính quyền địa phương ở Andalusia đã cho khai thác 943 miệng giếng để phân dòng nước ngầm, một nửa trong số đó là ở Huelva, thủ đô dâu tây của Tây Ban Nha. Chính phủ có thể phạt tiền những người cố tình đào thêm giếng trái phép mức phạt lên tới 1 triệu euro, tức khoảng hơn 25 tỷ đồng Việt Nam.

"Vấn đề giếng và việc khai thác nước bất hợp pháp phải được phối hợp giữa chính quyền và các chủ nông trại", ông Alfonso Rodriguez Gomez de Celis, đại biểu của Chính phủ Tây Ban Nha ở vùng Andalusia, trả lời kênh truyền hình DW bằng văn bản.

Tháng 9 năm ngoái, một nhân viên môi trường của cơ quan quản lý nước địa phương đang tuần tra các miệng giếng bất hợp pháp ở Huelva, thì bất ngờ bị người dân địa phương tấn công. Anh này buộc phải trốn trong xe ô tô và gọi cảnh sát tới giải tán đám đông.

Trộm nước từ công viên quốc gia

Huelva cũng nằm ngay bên cạnh Vườn quốc gia Donana. Gần đây, Ủy ban châu Âu đã kiện Tây Ban Nha tới Tòa án Công lý EU vì đã không bảo vệ tài nguyên nước ngầm ở Đầm lầy Donana, một phần của công viên quốc gia và là di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Vườn quốc gia Donana, được biết đến với vùng đất ngập nước và động vật hoang dã sinh sống ở đó, đã ghi nhận nguồn cung cấp nước tự nhiên giảm mạnh.

Quỹ Động vật hoang dã Thế giới đã đưa ra báo động về các hoạt động khai thác nước không bền vững trong khu vực trong nhiều năm qua. Họ đã chỉ ra khoảng 1.000 giếng bất hợp pháp ở khu vực xung quanh đã làm cạn kiệt tài nguyên nước khỏi vườn quốc gia.

Tránh bi kịch trong tương lai

Giải quyết khủng hoảng nước của Tây Ban Nha và vấn đề khai thác giếng nước bất hợp pháp không phải là điều dễ dàng. Dù vậy, các chuyên gia nông nghiệp cũng gợi ý một vài giải pháp. Đơn cử như việc chọn cây trồng hiệu quả hơn và áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm hơn.

Dù vậy, việc khai thác giếng vô tội vạ, không chỉ gây nên mất an toàn nguồn nước, mà nó còn ẩn chứa rủi ro cho người dân sinh sống trong khu vực. Những "giếng trăng" tạm thời cứ im lặng trên các cánh đồng, chờ một ngày được lấp đầy bởi nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước