Khủng hoảng tài chính khiến người bệnh Tunisia khó mua thuốc

Nguyễn Mai-Chủ nhật, ngày 04/06/2023 19:39 GMT+7

VTV.vn - Nếu có bệnh, người dân Tunisia không chỉ phải chống chọi với căn bệnh, mà họ còn phải chật vật để làm thế nào mua một số loại thuốc điều trị.

Tunisia không thể nhập khẩu nhiều mặt hàng thuốc do thiếu hụt tài chính. Các hiệu thuốc cho biết hàng trăm loại thuốc đã bị thiếu trong nhiều tháng, bao gồm thuốc điều trị bệnh tim, ung thư, thuốc gây mê và điều trị tiểu đường, thậm chí cả thuốc nhỏ mắt. Thiếu thuốc dẫn đến tình trạng bệnh của người dân thêm trầm trọng hơn.

Anh Abdessalem Maraouni - Bệnh nhân nhãn khoa nói: "Tôi không còn khả năng học tập hay làm việc, ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, chỉ cần ra đường thôi cũng đã khó khăn lắm rồi. Chỉ còn ba hộp thuốc nhỏ mắt cuối cùng, sau khi sử dụng hết thì tôi không thể ra khỏi nhà. Tôi sử dụng liều lượng nhỏ mỗi ngày để tiết kiệm thuốc, hy vọng có ai đó ở nước ngoài sẽ gửi thuốc về".

Tunisia nhập khẩu tất cả các loại thuốc thông qua Nhà thuốc Trung ương thuộc sở hữu nhà nước, nơi cung cấp thuốc cho các bệnh viện và nhà thuốc trên khắp đất nước để bán cho người bệnh với giá trợ cấp.

Reuters trích lời một quan chức Chính phủ Tunisia cho biết, nhà thuốc Trung ương nợ các nhà phân phối thuốc khoảng 325 triệu USD. Không những thế, các công ty bảo hiểm công và bệnh viện đã trì hoãn thanh toán hóa đơn của họ tới một năm. Trước tình trạng này, nhiều người dân đã tham gia mạng lưới tự phân phối thuốc, kêu gọi nhường thuốc chưa sử dụng cho những người bệnh nặng hơn.

Khủng hoảng tài chính khiến người bệnh Tunisia khó mua thuốc - Ảnh 1.

Ông Nabil Boukhli - Người sáng lập nhóm "Thuốc khẩn cấp Tunisia": "Bất cứ ai yêu cầu thuốc từ chúng tôi đều phải có đơn thuốc. Chúng tôi sẽ nhìn đơn rồi đăng lên nhóm để hỏi có ai còn loại thuốc đó không"

Bà Najia Guadri - Bệnh nhân tuyến giáp: "Tôi đã không còn thuốc một tuần rồi, tôi buộc phải uống vitamin để thay thế tạm thời. Tôi bị tuyến giáp, không có thuốc lâu dài bệnh tôi sẽ nặng thêm".

Ông Nabil, một cựu quân nhân, lấy thuốc từ những người đi du lịch nước ngoài cũng như những viên thuốc còn sót lại từ những người đã hoàn thành quá trình điều trị, sau đó phân phát miễn phí cho những bệnh nhân không thể mua thuốc. Tuy nhiên, không phải loại thuốc miễn phí nào cũng có sẵn. Và như anh Abdessalem, nếu không có thuốc nhỏ mắt, có thể anh sẽ bị mù.

"Trước đây, thuốc được trợ giá với mức 1,78 USD, bây giờ tôi chấp nhận mua với mức giá gấp 3 lần, nhờ người quen mua từ nước ngoài về. Miễn là mua được thuốc, đắt cũng được", Abdessalem Maraouni nói.

Kể từ năm ngoái, ngoài thuốc, Tunisia còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán cho các hàng hóa nhập khẩu được chính phủ trợ giá như bánh mỳ, các sản phẩm làm từ sữa và dầu ăn, chủ yếu do dự trữ ngoại hối của nước này giảm mạnh từ mức 130 ngày nhập khẩu xuống chỉ còn đủ cho 90 ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước