Kịch tính cuộc đua giành ghế Tổng thống Mỹ dù kết quả dường như đã ngã ngũ

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 08/11/2020 12:18 GMT+7

VTV.vn - Cuộc đua tới Nhà Trắng dường như vẫn chưa dừng lại. Ông Trump tuyên bố sẽ khởi động cuộc chiến pháp lý trong khi ông Joe Biden cũng đã chuẩn bị sẵn đội ngũ 600 luật sư.

Chưa khi nào, dư luận chờ đợi lâu như lần này để biết được đích xác ai sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Một cuộc bầu cử tốn nhiều giấy mực truyền thông và sự chú ý của cả thế giới. Một cuộc bầu cử sẽ còn được ghi nhớ lâu về sau, với rất nhiều những kỷ lục và những lần đầu tiên. Và quan trọng nhất, cuộc bầu cử này lựa chọn ra người đứng đầu Nhà Trắng cho nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo cùng với có thể là rất nhiều những thay đổi về tầm nhìn, chiến lược và thậm chí vị thế.

Hai thái cực đối lập

Ứng cử viên cho vị trí Tổng thống Mỹ trong đợt bầu cử năm nay gồm đương kim Tổng thống Donald Trump đại diện cho đảng Cộng hòa và cựu Phó Tổng thống Joe Biden đại diện cho đảng Dân chủ. Một người với khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", một người với khẩu hiệu "Xây dựng lại tốt hơn".

Kịch tính cuộc đua giành ghế Tổng thống Mỹ dù kết quả dường như đã ngã ngũ - Ảnh 1.

Ứng viên Joe Biden đại diện cho đảng Dân chủ (trái) và Tổng thống Donald Trump đại diện cho đảng Cộng hòa (phải) - Ảnh: AP

Cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều có quan điểm chung là muốn nước Mỹ hùng mạnh trở lại. Tuy nhiên, cả hai ứng cử viên này lại có sự khác biệt sâu sắc, thậm chí đối lập cả về quan điểm, cương lĩnh chính trị và tầm nhìn tương lai của nước Mỹ.

Vấn đề nhập cư

Cựu Phó Tổng thống Mỹ có quan điểm về nhập cư mềm mỏng khi chủ trương hỗ trợ những người nhập cư trái phép trở thành công dân Mỹ, coi những người nhập cư không có giấy tờ hay tiền án không nên là trọng tâm của việc trục xuất.

Trong khi đó, cam kết hạn chế nhập cư là nền tảng sự nghiệp chính trị của Tổng thống Trump. Hiện tại, ông Trump vẫn hứa sẽ tiếp tục xây dựng tường ngăn cách Mỹ và Mexico. Trước đó, Tổng thống Trump đã loại bỏ chương trình "Tạm hoãn trục xuất với trẻ vị thành niên tới Mỹ". Tuy nhiên, một tòa án liên bang tại New York (Mỹ) đã ra phán quyết bác bỏ sắc lệnh này.

Các nước đồng minh

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khối NATO đoàn kết, công bố chính sách "quay trở lại mái nhà chung". Ông cũng chỉ trích quyết định của ông Trump khi rút gần 12.000 quân khỏi Đức và thề sẽ xem xét lại động thái này, đồng thời đưa Mỹ trở lại các hiệp định toàn cầu như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Khác với ông Joe Biden, Tổng thống Trump coi các thành viên của NATO là một gánh nặng về kinh tế, rằng họ nên trả thêm tiền cho Mỹ vì đã hỗ trợ đảm bảo an ninh quốc phòng. Ông cũng yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc phải chi trả thêm cho việc Mỹ đóng quân ở các nước này.

Đối sách với Trung Quốc

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump và ông Biden đều cam kết sẽ cứng rắn với Bắc Kinh, dù cách thực hiện của họ khác nhau. Ông Biden cho rằng, cần hợp tác với các nước đồng minh để đối phó với các hoạt động thương mại của Bắc Kinh.

Tổng thống Trump lại bảo lưu lập trường cứng rắn với Trung Quốc để buộc Bắc Kinh phải tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ. Ông Trump khẳng định, ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên trong hàng thập kỷ đứng lên "đối phó" với Trung Quốc.

Thỏa thuận hạt nhân Iran

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ có quan điểm trái ngược về việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran. Ông Biden ủng hộ việc áp dụng lại Hiệp định hạt nhân Iran năm 2015, với điều kiện Tehran, nước vi phạm giới hạn sản xuất Uranium, cũng phải tuân thủ thỏa thuận.

Trong khi đó, Tổng thống Trump quyết định tiếp tục chiến dịch gây áp lực kinh tế với Iran để buộc Tehran từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Một người theo đường lối bảo thủ còn một người theo đường lối tự do. Sự đối lập của hai ứng cử viên sẽ dẫn dắt nước Mỹ đi theo hai còn đường hoàn toàn khác biệt nhau. Và việc lựa chọn một nước Mỹ sẽ như thế nào trong 4 năm nữa nằm hoàn toàn trong tay của cử tri Mỹ.

Kịch tính cuộc đua vào Nhà Trắng

Những cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử sít sao đã hé mở phần nào sự kịch tích của cuộc đua vào Nhà Trắng. Nhưng năm nay, sự kịch tính đó được đẩy lên mức cực độ.

Kết quả công bố kiểm phiếu cũng giống như một bộ phim Hollywood, có phần mở đầu, phần cao trào, và cả phần twist - những nút thắt không ai lường được. Những bang đầu tiên công bố kết quả mang lại lợi thế cho ông Biden. Có thời điểm ông Biden vượt lên cách biệt hàng chục phiếu đại cử tri. Nhưng chiến thắng tại các bang chiến trường mới đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là bang Florida và Texas đã đem lại lợi thế không nhỏ cho ứng cử viên Donald Trump.

Kịch tính cuộc đua giành ghế Tổng thống Mỹ dù kết quả dường như đã ngã ngũ - Ảnh 2.

Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 - Ảnh: VTV News

Tại cuộc họp báo đầu tiên sau bầu cử, ông Trump tự tin tuyên bố chiến thắng, ngay cả khi việc kiểm phiếu chưa hoàn thành. Đó là bởi những bang còn lại chưa công bố kết quả hầu như là có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, gió đã lại đảo chiều chỉ trong vòng một đêm. Kết quả kiểm phiếu qua thư bắt đầu được công bố. Bất ngờ xảy ra ở một số bang quan trọng. Điển hình như Michigan, bang nắm giữ 16 phiếu đại cử tri, mùa trước bầu cho ông Trump, năm nay lại chuyển xanh, ủng hộ đảng Dân chủ. Những bang chiến địa chưa công bố kết quả cuối cùng như Georgia, Pennsylvania hay Nevada đều bất ngờ ngả màu từ đỏ sang xanh.

Kịch tính cuộc đua giành ghế Tổng thống Mỹ dù kết quả dường như đã ngã ngũ - Ảnh 3.

Hàng loạt hãng truyền thông công bố ứng cử viên Joe Biden đã giành chiến thắng và trở thành Tổng thống đắc cử - Ảnh: AP

Hai ứng cử viên tiếp tục phát biểu trước dư luận. Ông Trump tuyên bố sẽ khởi động cuộc chiến pháp lý khi cho rằng đảng Dân chủ đã gian lận thông qua hình thức bỏ phiếu qua thư.

Sự kịch tính và chia rẽ còn được thấy trên đường phố, khi cả những người ủng hộ ông Trump và ông Biden đều xuống đường biểu tình. Những người ủng hộ ông Biden mang khẩu hiệu "Đếm mọi phiếu bầu". Ngược lại, những người ủng hộ Tổng thống Trump lại bày tỏ sự phản đối, mang khẩu hiệu "Bảo vệ lá phiếu", ý là muốn loại bỏ những phiếu bầu qua đường bưu điện mà họ cho là gian lận.

Ủy ban Toàn quốc của đảng Cộng hòa đang tìm cách huy động ít nhất 60 triệu USD nhằm tài trợ cho những thách thức pháp lý mà Tổng thống Trump đưa ra. Trong khi ông Joe Biden cũng đã chuẩn bị sẵn đội ngũ 600 luật sư. Ngay sau ngày bầu cử kết thúc, ông Biden đã lập một quỹ kêu gọi tiền Biden Fight Fund - quỹ giúp ông Biden đấu tranh pháp lý.

Trận chiến tiếp theo giữa hai ứng cử viên có thể sẽ không phải là ở các bang chiến địa mà là ở tòa án khi mà lúc này, một số bang đã tuyên bố kiểm đếm phiếu lại nếu tỷ lệ chênh lệnh giữa hai ứng cử viên chỉ là 1%.

Với 273 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden sẽ là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ Với 273 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden sẽ là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ

VTV.vn - Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 là cuộc đua vào Nhà Trắng giữa ứng viên của đảng Cộng hòa là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và ứng viên của đảng Dân chủ - Joe Biden.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước