Trong lúc phong tỏa, việc đáp ứng lương thực, thực phẩm đầy đủ cho người dân như thế nào là vấn đề nhiều quốc gia hết sức quan tâm.
"Phong tỏa cứng" để phòng dịch COVID-19
New Zealand hiện có lẽ là quốc gia mạnh tay phong tỏa nhất trong số các nước. Sau khi ghi nhận chỉ 1 ca mắc COVID-19 sau 6 tháng, lệnh phong tỏa đã được áp dụng tại hầu hết lãnh thổ, ngoại trừ thành phố Auckland. Không chỉ vậy, New Zealand còn cân nhắc khả năng gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 sau khi ghi nhận thêm hàng chục ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Còn tại Đông Nam Á, Lào đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày, đến ngày 4/9 tới. Đây là lần thứ 8 Lào gia hạn lệnh phong tỏa được áp dụng từ tháng 4 vừa qua.
Trong khi đó, Sri Lanka thực hiện phong tỏa toàn quốc trong 10 ngày, kéo dài đến 29/8, trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng nhanh, gây quá tải cho hệ thống y tế tại quốc gia Nam Á này.
Đảm bảo lương thực trong vùng phong tỏa - kinh nghiệm từ Trung Quốc
Vấn đề đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân khi áp dụng phong tỏa chống dịch là ưu tiên hàng đầu và đòi hỏi một chiến lược bài bản, rõ ràng. Nguyên nhân là do thách thức nhiều khi đến từ khâu vận chuyển, hậu cần, không phải do nguồn cung bị thiếu. Trung Quốc là quốc gia được đánh giá là thành công khi đáp ứng nhu yếu phẩm cho người dân tại các thành phố lớn khi bị phong tỏa, từ đó đã nhanh chóng dập được dịch.
Trong những đợt phong tỏa từ rộng như Vũ Hán, hay hẹp hơn ở Hà Bắc, Bắc Kinh, Nam Kinh, chính quyền đóng vai trò chủ động trong việc điều phối và quản trị xã hội khoa học. Vai trò chủ động của chính quyền là đứng ra tìm nguồn hàng, điều phối hàng cứu trợ, các tổ cộng đồng giúp dân ở cơ sở.
Khi "phong thành" nghiêm ngặt tại thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân, một điều chưa có trong tiền lệ chống dịch, việc có những trục trặc ban đầu như thiếu hàng hóa, người dân phản ứng khó tránh khỏi. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần, phần lớn các hoạt động đi vào nề nếp. Hầu hết các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho lực lượng giao hàng, shipper hoạt động bình thường. Họ được xác định là lực lượng nòng cốt trong chống dịch bởi bản thân shipper cũng xông pha trong vùng nguy hiểm. Lực lượng này và những tài xế xe tải chở hàng thiết yếu được ưu tiên hoạt động để tránh những xáo trộn. Và họ được tiêm vaccine COVID-19, xét nghiệm liên tục.
Thương mại điện tử vốn phát triển tới "hang cùng ngõ hẻm" ở Trung Quốc, do đó không cần "ló mặt ra đường" người dân vẫn mua được hầu như tất cả nhu yếu phẩm với giá cả như bình thường. Tại các đô thị ở Trung Quốc, người dân chủ yếu ở chung cư, nên ban quản lý chung cư cùng tình nguyện viên cộng đồng được huy động làm vai trò điều phối hàng cứu trợ, mua hàng giúp dân… Ở các vùng phong tỏa theo kiểu thiết quân luật, tất cả người dân đều phải ở nhà, nhu yếu phẩm thuốc men đều được lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên mang tới tận cửa.
Một trong những kinh nghiệm hay trong chống dịch ở Trung Quốc mà cơ quan chức năng thường nhắc tới là niềm tin của người dân vào chính quyền. Khi đã tin vào cách chống dịch của chính quyền, người dân răm rắp nghe theo và làm theo.
Trung Quốc đã áp dụng những đợt phong tỏa tại nhiều địa phương để chống dịch. (Ảnh: AP)
Mô hình đi chợ online trong mùa dịch
Tại những khu vực vẫn phải phong tỏa nhưng dịch tạm thời được kiểm soát như Mỹ hay châu Âu, việc đi chợ online để hạn chế lây nhiễm virus được nhiều người dân chọn lựa. Mô hình này không chỉ hỗ trợ cung cấp thực phẩm đầy đủ, an toàn mà còn giúp hạn chế người dân tập trung tại những chợ bán lẻ hoặc siêu thị đông đúc.
Trong khi đó, tại Nga, những mặt hàng thiết yếu đến tay người cần chỉ mất khoảng 15 phút. Vào thời điểm thủ đô Moscow áp dụng lệnh phong tỏa hồi tháng 4, mô hình đi chợ online đã trở nên rất phổ biến. Mọi mặt hàng từ sữa, trứng, giấy vệ sinh đều được chuẩn bị nhanh chóng và giao đến tay khách hàng chỉ từ 15 phút.
Dịch vụ đi chợ online đã bùng nổ mạnh mẽ trong mùa dịch tại Nga. Số lượng khách hàng lớn đã khiến một số nền tảng quá tải, không thể phục vụ khách hàng. Một số chuỗi gặp phải tình trạng giao hàng chậm trễ vài ngày. Dù vậy, đây vẫn là phương án được nhiều người dân lựa chọn trong mùa dịch.
Ngoài ưu điểm tiện lợi, đi chợ online cần phải đảm bảo an toàn. Nhiều nơi đã kêu gọi ưu tiên tiêm vaccine cho người giao hàng, đối tượng phải tiếp xúc với nhiều người. Tại Philippines, người giao hàng được xếp vào nhóm lao động thiết yếu và đã được tiến hành tiêm chủng.
Theo thống kê của CNBC, tại Mỹ, nhiều dịch vụ giao hàng như Amazon Flex, Instacart, DoorDash, Uber Eats cũng làm việc tất bật trong suốt mùa dịch 2020 đến nay với tiêu chí "giao hàng không chạm", đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm cho người dân.
Huy động quân đội vận chuyển thực phẩm
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, việc đáp ứng nhu cầu nhu yếu phẩm cho những thành phố đông đúc bị phong tỏa cần một lực lượng hỗ trợ thật hiệu quả. Nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ và một số nước châu Âu đã phải huy động lực lượng quân đội hỗ trợ công tác phòng dịch COVID-19 trong những thời điểm dịch bùng phát.
Mới đây nhất, lực lượng quân đội Australia đã được huy động khi thành phố Sydney thực hiện lệnh phong tỏa. Theo giới chức bang New South Wales, quân đội tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 giúp giảm tải cho lực lượng chống dịch tại địa phương, tăng cường cùng lực lượng cảnh sát địa phương để tuần tra và xử lý những đối tượng vi phạm quy định. Bên cạnh đó, quân đội cũng giúp phân phát thực phẩm đến từng nhà dân để đảm bảo mọi người đều ở trong nhà, đồng thời theo dõi kịp thời sức khỏe người dân, từ đó tránh tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!