Vespa Soror, còn được gọi là ong bắp cày khổng lồ phương Nam (Ảnh: Thai National Parks)
Loài ong này còn được gọi là ong bắp cày sát thủ vì chúng được biết đến là có thể tiêu diệt toàn bộ ong trong tổ. Loài côn trùng này phát triển đến chiều dài trung bình 5 cm. Chúng có nguồn gốc từ một số vùng của châu Á bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 11 trên tạp chí Ecology and Evolution, 5 nhà khoa học Tây Ban Nha đã mô tả 2 lần nhìn thấy loài ong bắp cày khổng lồ phương Nam, có tên khoa học là Vespa soror. Cả hai lần đều được ghi nhận ở thành phố Siero thuộc tỉnh Asturias ở miền Bắc: một cặp ong được phát hiện vào tháng 3/2022, sau đó là hai cặp khác vào tháng 10/2023.
Ong bắp cày khổng lồ phương Bắc - một loài có họ hàng gần có nguồn gốc từ các vùng khác của châu Á - lần đầu tiên được phát hiện tại bang Washington, Mỹ ở vào cuối năm 2019. Ong bắp cày phương Bắc và phương Nam có hành vi và ngoại hình tương tự nhau, mặc dù loài trước có thời gian làm tổ ngắn hơn, tạo ra các đàn và tổ nhỏ hơn.
Tổ ong bắp cày khổng lồ phương Bắc đầu tiên được tìm thấy ở Mỹ đã bị phá hủy ngay lập tức vào tháng 10/2020, nhưng một con ong bắp cày còn sống đã được phát hiện ở Washington vào năm 2021.
Ong bắp cày châu Á (Ảnh: AFP / Getty)
Theo nghiên cứu được công bố vào năm 2021, ong bắp cày khổng lồ phương Nam được biết đến là loài ong cử các ong trinh sát đi tìm đàn con mồi. Ong trinh sát cọ xát cơ thể vào tổ ong hoặc thảm thực vật gần đó để đánh dấu cho những con khác tham gia cùng chúng. Sau đó, chúng bước vào giai đoạn tàn sát, trong đó chúng có thể tiêu diệt toàn bộ ong trong tổ chỉ trong vài giờ.
Không có ong bắp cày khổng lồ phương Bắc hay phương Nam nào được tìm thấy ở châu Âu ngoài 4 con được ghi nhận ở Tây Ban Nha. Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu gần đây cho rằng ong bắp cày có thể đã xâm nhập vào châu lục này lần đầu tiên trên một con tàu chở hàng.
Omar Sanchez - tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư động vật học tại Đại học Oviedo ở Tây Ban Nha - cho biết ông tin rằng ong bắp cày sẽ tác động đến sự cân bằng của hệ sinh thái tại địa phương vì loài ong này hung hăng, sẽ tiêu diệt ong, bướm, bướm đêm và ruồi bản địa. Tình trạng suy giảm lâu dài của quần thể ong có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp mật ong và phá vỡ quá trình thụ phấn mà nhiều loài thực vật và cây trồng phụ thuộc vào.
"Ở miền Bắc Tây Ban Nha, chúng tôi ghi nhận một loài ong bắp cày châu Á có tên là Vespa Veluntina và chúng đang gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nuôi ong. Và sự xuất hiện của một loài ong bắp cày châu Á khác có thể làm trầm trọng thêm những tác động tiêu cực" - ông Omar Sanchez nhận định. Ông cho biết thêm rằng các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm tổ ong để có thể phá hủy nó.
Theo ông Sancho, việc phát hiện ra ong bắp cày khổng lồ phương Nam ở Tây Ban Nha cho thấy khả năng sẽ có thêm cá thể loài này và loài ong khác đang trên đường đến châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!