Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở TP Thượng Hải, Trung Quốc ngày 1/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Số ca dương tính không triệu chứng âm thầm lây lan luôn gấp 50 lần so với số ca dương tính có triệu chứng - thách thức lớn nhất trong chiến lược phong tỏa của TP Thượng Hải với 25 triệu dân.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đánh giá, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng mà tâm điểm là Thượng Hải, số ca mắc trong cộng đồng tương đối nhiều và lây lan ra các thành phố khác.
Ông Mễ Phong - Người phát ngôn của Ủy ban Y tế Trung Quốc nói: "Tất cả các địa phương nên chuẩn bị sẵn các khu cách ly và bệnh viện dã chiến để đề phòng khả năng xảy ra một đợt dịch lớn. Siết chặt quản lý, giảm các cuộc tụ tập không cần thiết. Tăng tốc việc tiêm ngừa cho người cao tuổi".
Thực phẩm được phân phát cho cư dân Thượng Hải ngày 5/4. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo TP Thượng Hải thừa nhận, dịch diễn ra quá nhanh đã khiến thiếu cục bộ hàng hóa, điều kiện chăm sóc tại các khu cách ly chưa tốt. Nhiều hộ kinh doanh cũng không khỏi lo lắng khi hàng quán đóng cửa, du lịch gần như đình trệ. Với những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu thì phải gồng gánh chi phí vừa sản xuất vừa chống dịch. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung hàng hóa toàn cầu ngày càng lớn khi Thượng Hải có cảng container lớn nhất thế giới.
Trước mắt TP Thượng Hải chi hơn 23 tỷ USD để hỗ trợ, miễn giảm thuế phí cho những doanh nghiệp bị khó khăn do phong tỏa. Trên cả nước, ba ngày nghỉ Tết thanh minh vừa rồi, lượng khách đi lại đường không, đường bộ, đường thủy giảm từ 53 đến 87%.
Hơn 20 thành phố ở nước này hiện phải phong tỏa ở những mức độ khác nhau. Theo tính toán của công ty Nomura (Nhật Bản), các khu vực phong tỏa này chiếm đến 13,6% GDP của Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!