Làn sóng COVID-19 thứ hai không phải chuyện "nếu" mà là "khi nào, mức độ tàn phá ra sao"

An Ngọc-Thứ ba, ngày 28/07/2020 14:50 GMT+7

VTV.vn - Sau khi kiềm chế được dịch COVID-19 trong thời gian ngắn, nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm tiếp theo.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để ứng phó với với tình trạng tái bùng phát dịch này, không có cách nào khác ngoài phản ứng nhanh, rút kinh nghiệm triệt để từ đợt dịch đầu tiên. Vậy các nước trên thế giới đang làm những gì khi một lần nữa đối mặt với làn sóng lây nhiễm tiếp theo trong cuộc chiến dai dẳng với COVID-19 này?

Tờ Time dẫn phát biểu của chuyên gia bệnh truyền nhiễm Kentaro Iwata thuộc Đại học Kobe, Nhật Bản cho rằng, có 3 "núm điều khiển" có thể được sử dụng để ứng phó với đợt tái bùng phát COVID-19. Thứ nhất là kiểm soát biên giới; thứ hai là giãn cách xã hội, trong đó người dân cũng cần đeo khẩu trang và thứ ba là cụm biện pháp: xét nghiệm - truy vết - cách ly.

Nói về xét nghiệm, Trung Quốc được xem là hình mẫu về việc xét nghiệm trên diện rộng. Với ổ dịch mới đây nhất là tại thành phố Đại Liên, sau khi phát hiện những ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng sau 111 ngày sạch bóng dịch bệnh, Trung Quốc đã lên kế hoạch xét nghiệm cho toàn bộ 6 triệu dân thành phố này.

Làn sóng COVID-19 thứ hai không phải chuyện nếu mà là khi nào, mức độ tàn phá ra sao - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm từ người dân vào tối 25/7 ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (Ảnh: China Daily)

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn trong các đợt tái bùng phát dịch COVID-19 ở các thành phố khác nhau. Trước đó, đối với các đợt tái dịch ở Bắc Kinh, hay Vũ Hán, biện pháp xét nghiệm trên diện rộng cũng đã được áp dụng và cho kết quả tích cực trong khống chế dịch bệnh.

Tờ South China Morning Post dẫn lời chuyên gia trong đội phòng chống COVID-19 của Trung Quốc: "Điều quan trọng nhất trong ứng phó với dịch COVID-19 là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì vậy, hãy xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm. Bởi nếu không xét nghiệm, ta không thể biết được ai là người mang virus, ai là người tiếp xúc gần và ai nên được cách ly".

Trong khi đó, một đất nước châu Á khác là Hàn Quốc đã ứng phó với dịch COVID-19 cũng như các đợt tái bùng phát khác bằng cách tập trung vào yếu tố con người, thay vì các biện pháp đóng cửa. Một đội ngũ tinh nhuệ (đội săn virus), bao gồm các nhà dịch tễ học, các chuyên gia về cơ sở dữ liệu và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm ưu tú, đã được tập hợp để tìm cách ứng phó với dịch bệnh.

Làn sóng COVID-19 thứ hai không phải chuyện nếu mà là khi nào, mức độ tàn phá ra sao - Ảnh 2.

Một hành khách đeo khẩu trang và biển báo nhắc nhở phòng chống dịch COVID-19 tại Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Phương pháp chủ yếu được Hàn Quốc áp dụng cũng là xét nghiệm trên diện rộng và điều tra dịch tễ học, giúp quốc gia này từ ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới về mức có thể kiểm soát dịch bệnh.

Theo Bloomberg, đất nước này hiện có tỷ lệ các ca COVID-19 không rõ nguồn lây thuộc hàng thấp nhất thế giới, ở mức 8% so với mức hơn 50% ở những nước tái bùng phát dịch gần đây. Bên cạnh đó, công nghệ theo dõi lộ trình đi lại cũng giúp phát hiện nhanh nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng để kịp thời ứng phó.

Chuyên gia sinh học người Anh Jennifer Rohn cho rằng, làn sóng COVID-19 thứ hai không phải chuyện "nếu" mà là "khi nào, và mức độ tàn phá ra sao". Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo các chính phủ và người dân nên duy trì cảnh giác trong cuộc chiến lâu dài với COVID-19 và bình tĩnh ứng phó khi một đợt dịch mới ập tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước