Lào có số ca mắc COVID-19 cộng đồng tăng vọt, Ấn Độ lập kỷ lục tiêm hơn 20 triệu mũi vaccine/ngày

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ bảy, ngày 18/09/2021 06:10 GMT+7

Hơn 228,2 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 18/9, thế giới có trên 228,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,69 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 42,7 triệu ca mắc và hơn 690.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 90.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố, các vaccine đang được dùng tại Mỹ hiện nay đủ khả năng bảo vệ con người chống lại trường hợp bệnh nặng và tử vong do COVID-19 mà không cần liều bổ sung. Theo FDA, dữ liệu của những người đã được tiêm vaccine COVID-19 cho thấy, phản ứng miễn dịch của họ tăng lên, thậm chí chống lại được các biến thể nguy hiểm, cũng như đủ khả năng ngăn ngừa các trường hợp bệnh nặng và tử vong do COVID-19.

Nhận định được đưa ra chỉ 1 ngày trước khi FDA và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ nhóm họp trong ngày 17/9 nhằm quyết định có tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 tăng cường cho người dân Mỹ hay không. Trước đó, Nhà Trắng công bố kế hoạch chuẩn bị tiêm mũi bổ sung vaccine COVID-19 trong mùa thu này.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 17/9, nước này ghi nhận hơn 35.300 ca mắc mới COVID-19 và 285 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33,4 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 444.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Ngày 17/9, Ấn Độ đã lập kỷ lục mới với việc tiêm hơn 20 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 trong một ngày. Đây là một bước tiến quan trọng cho chương trình chủng ngừa COVID-19 của nước này nhân dịp sinh nhật của Thủ tướng Narendra Modi (17/9/1950). Theo dữ liệu trên cổng Co-WIN, nền tảng để triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 của Ấn Độ, tính đến 19h (giờ địa phương) ngày 17/9, nước này đã tiêm tổng cộng 22,17 triệu mũi. Con số vẫn đang tiếp tục tăng lên cho đến cuối ngày và rất có thể sẽ đạt mốc 25 triệu mũi. Hiện Ấn Độ đã tiêm tổng cộng khoảng 787 triệu mũi vaccine kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1, trong đó có 190 triệu mũi hai.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 589.200 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Anh sẽ tiến hành nghiên cứu phản ứng miễn dịch của trẻ em thông qua việc tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau nhằm tìm ra cách thức tiếp cận tốt nhất mũi 2 vaccine ngừa COVID-19 cho thanh, thiếu niên do có những báo cáo trước đó về nguy cơ nhỏ mắc viêm cơ tim.

Theo kế hoạch, trẻ em trong độ tuổi từ 12 - 15 ở Anh sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ tuần tới, trong khi những trẻ trong độ tuổi 16 - 17 đã được tiêm từ tháng 8. Dù trẻ em Anh đã được tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine của Pfizer-BioNTech nhưng giới chức nước này cho biết sẽ đưa ra khuyến nghị về mũi vaccine thứ 2 sau khi thu thập thêm dữ liệu.

Nước Anh đã bắt đầu tiêm các mũi vaccine cúm mùa đầu tiên trong năm nay. Trước đó, các nhà cung cấp vaccine cúm mùa cho biết đã xảy ra tình trạng chậm giao hàng vaccine do thiếu tài xế xe tải, khiến chiến dịch tiêm chủng cúm bị chậm. Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) đã bắt đầu tiếp nhận đặt lịch tiêm từ tháng này. Chiến dịch tiêm chủng cúm mùa đông được cho là một trong các chiến dịch tiêm chủng lớn nhất ở Anh, tập trung vào tất cả học sinh trung học và người lớn trên 50 tuổi. Theo các chuyên gia y tế, việc tiêm cúm mùa cho 35 triệu người dân là đặc biệt quan trọng sau khi đại dịch COVID-19 đã khiến việc tiêm chủng bị gián đoạn vào năm 2020.

Australia sẽ thử nghiệm mô hình cách ly tại nhà với tất cả du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 đến Sydney. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh nước này chuyển sang mở cửa lại biên giới. Trẻ em chưa đủ điều kiện được tiêm vaccine sẽ có thể tham gia chương trình cùng với cha mẹ của mình. Chương trình thử nghiệm kéo dài trong khoảng thời gian 4 tuần, theo từng nhóm 30 người. Người nhập cảnh sẽ cách ly tại nhà trong thời gian 7 ngày nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Những trường hợp dương tính sẽ phải cách ly trong 14 ngày, cũng thực hiện tại nhà.

Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh, thử nghiệm này sẽ thiết lập tiêu chuẩn cho phương thức sống chung với COVID-19.

Chính phủ Italy đã phê chuẩn sắc lệnh mới, bắt buộc tất cả các nhân viên công vụ và những người lao động trong khu vực tư nhân phải có Thẻ xanh COVID-19. Các quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10. Bất kỳ người lao động nào không xuất trình được Thẻ xanh sẽ bị tạm đình chỉ làm việc. Những người phớt lờ sắc lệnh trên và đi làm sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt từ 600 - 1.500 Euro. Chính phủ Italy cho rằng việc, sử dụng Thẻ xanh là giải pháp duy nhất để tránh phải khôi phục các biện pháp giãn cách như đóng cửa kinh doanh và hạn chế đi lại.

Lào có số ca mắc COVID-19 cộng đồng  tăng vọt, Ấn Độ lập kỷ lục tiêm hơn 20 triệu mũi vaccine/ngày - Ảnh 1.

Anh sẽ nghiên cứu tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em. (Ảnh: AP)

Ngày 17/9, các chuyên gia y tế Italy tuyên bố, nước này đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư sau khi tỷ lệ lây nhiễm giảm mạnh trong 2 tuần qua. Phát biểu tại cuộc họp báo công bố dữ liệu chính thức mới nhất trong chiều 17/9, ông Silvio Brusaferro, Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS), nhấn mạnh, số ca lây nhiễm tại Italy được duy trì ở mức thấp nhờ các chiến dịch tiêm vaccine. Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy, Chỉ số lây nhiễm (RT) của Italy đã giảm xuống 0,85 trong 14 ngày (25/8 - 7/9), từ 0,92 của tuần trước đó. Chỉ số RT dưới 1 có nghĩa là tỷ lệ lây nhiễm đang giảm.

Từ đầu tuần tới, du khách tới Thụy Sĩ chưa được tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Tất cả các du khách khi nhập cảnh, bất kể tình trạng tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đều được yêu cầu điền vào biểu mẫu theo dõi. Du khách cũng cần cung cấp các thông tin xác định không mắc bệnh và phải xét nghiệm thêm một lần nữa sau 4 - 7 ngày kể từ khi nhập cảnh.

Các quy định trên được Chính phủ Thụy Sỹ đưa ra nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới COVID-19 thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng khách du lịch quay trở lại sau kỳ nghỉ mùa thu.

Singapore đang đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 mới với hơn 800 ca nhiễm mỗi ngày trong những ngày gần đây. Trong bối cảnh đó, Singapore đã tăng cường các biện pháp phòng dịch, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương như trẻ em chưa được tiêm vaccine phòng bệnh và người cao tuổi.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore Chan Chun Sing cho biết, đây là một phần trong cách tiếp cận 4 mũi nhằm đảm bảo trường học an toàn với COVID-19. Cách tiếp cận này cũng bao gồm việc cho học sinh nghỉ ở nhà nếu các em không được khỏe, biện pháp quản lý an toàn ở trường học, khoanh vùng những trường hợp mắc COVID-19 và trường hợp tiếp xúc.

Singapore cũng đã kích hoạt chương trình quốc gia tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, tất cả những người từ 60 tuổi trở lên cũng như những người sống cạnh người cao tuổi được khuyến cáo giảm tối đa tương tác xã hội trong 2 tuần tới.

Singapore đưa ra tiêu chuẩn mới về nơi ở của lao động nhập cư để giảm nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm. Các quy định này bao gồm mật độ có giới hạn, có nhà vệ sinh riêng, thông gió tốt hơn và phân chia các khu vực chung. Người cư trú sẽ ở phòng ở rộng hơn, truy cập Internet bằng wifi. Chính quyền đang xem xét cách thức cải thiện các khu nhà hiện có để đáp ứng quy định mới. Trong khi đó, Singapore cũng có kế hoạch xây dựng 2 khu nhà mới cho lao động nước ngoài với 12.500 giường, có thể đưa vào sử dụng sau khoảng 3 năm.

Đợt bùng phát dịch hiện nay đã đặt ra nhiều thách thức cho tiến trình mở cửa nền kinh tế của Singapore. Nước này hiện đã tạm ngừng tiến trình mở cửa, tập trung nỗ lực kiểm soát dịch để làm cơ sở quyết định cho các bước đi tiếp theo của việc mở cửa trở lại.

Nhà hàng, các tiệm cắt tóc và doanh nghiệp nhỏ tại Vùng đô thị Manila của Philippines đã mở cửa trở lại sau nhiều tuần phải tạm dừng hoạt động. Động thái diễn ra trong bối cảnh Chính phủ nước này đang triển khai thí điểm phong tỏa theo vùng. Các nhà hàng được phép phục vụ ngoài trời với 30% công suất và trong nhà hàng với các nhóm nhỏ hơn đã tiêm chủng đầy đủ. Những cuộc tụ họp tôn giáo và dịch vụ chăm sóc cá nhân sẽ được phép hoạt động ở mức công suất tương tự.

Vùng đô thị Manila là khu vực bao gồm 16 thành phố với 13 triệu dân. Khu vực này chiếm khoảng 33% số ca mắc COVID-19 của Philippines. Nếu việc thí điểm phong tỏa theo vùng tại Vùng đô thị Manila vừa có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh vừa giúp kiểm soát dịch tốt, mô hình này sẽ được nhân rộng trên cả nước.

Các nước Đông Nam Á đã bắt đầu xây dựng kế hoạch mở cửa trở lại sau một thời gian dài tiến hành phong tỏa chống dịch COVID-19. Thời gian kỳ vọng mở cửa sẽ bắt đầu vào quý IV/2021 trên cơ sở nhiều nước đang khẩn trương tăng tốc tiêm vaccine và đạt kết quả khả quan.

Indonesia lên kế hoạch mở cửa đón khách nước ngoài từ tháng 11, sau khi 70% dân số nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Các biện pháp giãn cách áp dụng từ đầu tháng 7 nay đã được nới lỏng. Trung tâm thương mại, nhà hàng, rạp chiếu phim và nhà máy hoạt động trở lại với công suất hạn chế, kèm theo điều kiện về an toàn. Hiện đã có gần 30% dân số Indonesia đã tiêm mũi 1 vaccine. Tỉ lệ xét nghiệm dương tính đang giảm, từ 31% vào cuối tháng 7 xuống còn 2% trong ngày 14/9

Thủ đô Bangkok của Thái Lan sẽ mở cửa trở lại cho du khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ vào ngày 15/10 tới. Du khách đến Bangkok sẽ được phép đi lại trong thành phố này trong 7 ngày, không phải cách ly trong khách sạn như trước đây, sau 7 ngày sẽ được đi tới các tỉnh khác ngoài Bangkok. Khách quốc tế vẫn phải tự bỏ tiền xét nghiệm PCR và phải tải ứng dụng truy vết có tên là Mor Chana. Ngoài Bangkok, hơn 20 tỉnh khác, trong đó có Chonburi, Petchaburi và Chiang Mai cũng lên kế hoạch đón khách quốc tế trở lại vào tháng 10. Dự kiến, Thái Lan sẽ mở cửa trở lại toàn quốc mà không cần cách ly vào tháng 1/2022.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã bày tỏ tin tưởng rằng, nước này sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 50 triệu người, tức khoảng 70% dân số, vào cuối năm nay, đồng thời cho biết, tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Thái Lan hiện đang ở mức cao với 700.000 liều/ngày.

Tính đến ngày 16/9, Thái Lan đã tiêm được 41.858.386 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 các loại, đạt 41,86% kế hoạch tiêm tổng cộng 100 triệu liều vaccine cho tới cuối năm. Hiện có khoảng 20,81% dân số Thái Lan đã được tiêm chủng đầy đủ. Quốc gia Đông Nam Á này vào ngày 17/9 ghi nhận thêm 14.555 ca mắc mới và 171 người tử vong, nâng tổng số cư dân nhiễm bệnh từ đầu dịch tới nay lên hơn 1,44 triệu trường hợp, trong đó có 15.124 bệnh nhân không qua khỏi.

Lào có số ca mắc COVID-19 cộng đồng  tăng vọt, Ấn Độ lập kỷ lục tiêm hơn 20 triệu mũi vaccine/ngày - Ảnh 2.

Tháng 11, 70% dân số Indonesia đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: AP)

Thủ đô Phnom Penh của Campuchia đang là thành phố có tỉ lệ tiêm chủng COVID-19 cao nhất Đông Nam Á. Điều này cho phép nước này lên kế hoạch mở lại biên giới cho du khách quốc tế đã tiêm chủng đủ liều vào tháng 11 năm nay. Campuchia cũng đang xem xét giảm bớt hoặc loại bỏ hoàn toàn chính sách cách ly 14 ngày, bỏ chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh và bỏ luôn xét nghiệm COVID-19 tại sân bay Phnom Penh.

Campuchia dự đoán sẽ đạt miễn dịch cộng đồng khi 75% dân số được tiêm đầy đủ vaccine ngay trong tháng 9 này. Ngày 17/9, Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 1,9 triệu trẻ em từ 6 - 11 tuổi. Chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ từ 6 - 11 tuổi tại Campuchia được thực hiện theo tinh thần tự nguyện. Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi, tất cả các bậc phụ huynh và người giám hộ đưa con em mình đi tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhằm sớm mở lại trường cấp tiểu học.

Tính đến ngày 17/9, Campuchia đã tiêm vaccine cho gần 11,6 triệu người từ 12 tuổi trở lên. Nếu hoàn thành chiến dịch này, Campuchia sẽ có khoảng 14 triệu người được tiêm chủng, chiếm hơn 86% dân số.

Bộ Y tế Lào ngày 17/9 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 288 ca mắc mới COVID-19; trong đó ngoài 69 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có tới 219 ca cộng đồng. Như vậy, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Lào trong 1 ngày đã tăng vọt. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 18.347 trường hợp, trong đó có 16 người tử vong.

Theo Bộ Y tế Lào, tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng ở nước này hiện có xu hướng phức tạp khi xuất hiện ở nhiều tỉnh thành và lan rộng ra nhiều địa phương. Đặc biệt, trong những ngày qua, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng cao tại một số tỉnh như Champasak, Savannakhet, Khammuan…

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định sẽ sớm nới lỏng các hoạt động kinh tế - xã hội, mở đường cho việc khôi phục lại cuộc sống bình thường của người dân. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu trong khoảng thời gian từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11 sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người đăng ký. Trên cơ sở đó, chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 và xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được sử dụng như một điều kiện quan trọng để từng bước nới lỏng các hạn chế trong sinh hoạt của người dân.

Trước đó, Nhật Bản xem xét nới lỏng các quy định chống dịch sẽ áp dụng cho các đối tượng được đánh giá có nguy cơ mắc COVID-19 thấp là những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày, cố vấn hàng đầu Nhật Bản về COVID-19 nhận định, nước này đã bước qua gần hết giai đoạn đỉnh điểm của đợt dịch thứ 5, tuy nhiên vẫn cần theo dõi sát sao hệ thống y tế hiện đang trong tình trạng quá tải.

Theo thống kê mới nhất của truyền thông Trung Quốc, đến nay, nước này đã có hơn 1 tỷ người trên tổng dân số gần 1,4 tỷ người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 các loại. Trong các nỗ lực bao phủ vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc, việc tiêm vaccine cho lứa tuổi từ 12 - 17 được xem là một phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh sau khi quay lại trường học, cũng như tăng cường hàng rào miễn dịch toàn dân.

Trung Quốc bắt đầu tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ vị thành niên từ 12 - 17 tuổi (bao gồm học sinh các trường tiểu học, trung học phổ thông, đại học, trung học kỹ thuật, trường dạy nghề, trường kỹ thuật) từ cuối tháng 7. Đối với nhóm trẻ dưới 12 tuổi, việc tiêm vaccine sẽ được triển khai thống nhất trong thời gian tới theo cơ chế phối hợp phòng chống dịch bệnh của Quốc Vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc.

Hàn Quốc đã chính thức phê duyệt thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể của hãng dược phẩm Celltrion. Quyết định được ra sau khi các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho thấy, thuốc giúp giảm 72% nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng, rút ngắn thời gian hồi phục của bệnh nhân.

Phương pháp điều trị này được áp dụng với người trưởng thành bị nhiễm bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc những người có triệu chứng nghiêm trọng. Trước đó, Hàn Quốc đã cấp phép sử dụng có điều kiện với loại thuốc này. Trong khi đó, hãng Celltrion cho biết đang có kế hoạch xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp loại thuốc này tại nhiều quốc gia khác.

Anh nghiên cứu tiêm kết hợp vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ Anh nghiên cứu tiêm kết hợp vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ Trẻ em - mục tiêu mới trong chiến dịch tiêm phòng COVID-19 toàn cầu Trẻ em - mục tiêu mới trong chiến dịch tiêm phòng COVID-19 toàn cầu Thế giới chưa thể kết thúc dịch COVID-19 trong 6 tháng nữa Thế giới chưa thể kết thúc dịch COVID-19 trong 6 tháng nữa

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước