Ông lấy làm tiếc về sự gia tăng các vụ việc, những phát ngôn bài Do Thái, bài Hồi giáo và những lời lẽ căm thù khác, cả trực tuyến và trực tiếp trên khắp thế giới. Ông nhấn mạnh, tác động của cuộc khủng hoảng này đã gây ra làn sóng chấn động khắp mọi khu vực, làm sâu sắc thêm sự rạn nứt và phân cực xã hội, dẫn đến gia tăng phân biệt đối xử và bạo lực.
Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh, bất kỳ sự ủng hộ hận thù nào tạo nên sự kích động phân biệt đối xử, thù địch hoặc bạo lực đều bị cấm theo Luật nhân quyền quốc tế.
Trong một diễn biến khác, vào ngày 4/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, sau khi xung đột kết thúc, Dải Gaza phải là một phần của một nhà nước Palestine độc lập.
Phát biểu với báo giới, ông Erdogan khẳng định, Ankara sẽ không ủng hộ bất cứ hình thức nào nhằm "xóa dần người Palestine khỏi lịch sử".
Cơ quan tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ đã liên lạc với Israel, chính quyền Palestine và cả lực lượng Hamas để tìm giải pháp cho cuộc xung đột. Hiện tại, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không coi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một đối tác, nhưng cũng sẽ không cắt đứt quan hệ với Israel.
Cũng trong ngày 4/11, Quốc vương Abdullah II của Jordan tuyên bố phản đối mọi nỗ lực nhằm chia tách Bờ Tây và Dải Gaza vì cả hai đều là một phần của Nhà nước Palestine. Phát biểu tại buổi tiếp các Ngoại trưởng Arab tới Amman dự Hội nghị cấp Bộ trưởng về cuộc xung đột Israel - Hamas, Quốc vương Jordan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục phối hợp với các nước Arab nhằm gây áp lực với cộng đồng quốc tế và các cường quốc có ảnh hưởng trên toàn cầu để ngăn chặn sự leo thang ở Dải Gaza. Quốc vương đề nghị quốc tế tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo và bảo vệ dân thường ở vùng lãnh thổ này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!