Binh sĩ MONUSCO và cảnh sát Congo tuần tra vào ngày 27/4/2010 tại Kiwanja, Cộng hòa Dân chủ Congo. (Ảnh: Getty
Ông Bintou Keita, người đứng đầu phái bộ Liên hợp quốc (MONUSCO), đã đồng ý với Ngoại trưởng Congo Christophe Lutundula hôm 21/11 rằng sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Dân chủ Congo sẽ chấm dứt.
Yêu cầu rút 15.000 binh sĩ Liên hợp quốc khỏi quốc gia châu Phi này đã được Tổng thống Congo Felix Tshisekedi đưa ra vào tháng 9 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông Tshisekedi nói rằng lực lượng gìn giữ hòa bình đã thất bại trong việc kiềm chế các cuộc xung đột ở phía Đông nước này, đồng thời tuyên bố "đã đến lúc đất nước chúng ta phải nắm trọn vận mệnh của mình".
Các cuộc biểu tình yêu cầu MONUSCO rút quân đã bùng phát vào cuối tháng 7/2022, trong bối cảnh các chính trị gia và dân thường Congo cáo buộc, sinh sỹ Liên hợp quốc đã không hành động để chấm dứt giao tranh. Ngày 26/7, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã nổ súng trong cuộc biểu tình ở thành phố Goma, tỉnh Bắc Kivu, khiến 15 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương.
Theo báo cáo của MONUSCO, việc rút quân sẽ được thực hiện theo ba giai đoạn với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế và những đối tác khác của CHDC Congo.
Ông Bintou Keita tuyên bố rằng Liên hợp quốc "vẫn quyết tâm hợp tác với chính quyền Congo để nhanh chóng rút MONUSCO nhằm củng cố những lợi ích đạt được trong thời gian phái bộ hiện diện tại CHDC Congo".
Ngoại trưởng Lutundula cho biết trên Truyền hình quốc gia Congo rằng thỏa thuận này đánh dấu sự kết thúc của mối quan hệ đối tác "đã chứng tỏ những giới hạn của nó trong bối cảnh chiến tranh dai dẳng và nền hòa bình hằng mong đợi không được khôi phục ở miền Đông Congo".
Vấn đề bất ổn ở đất nước này được đặt lên hàng đầu khi nước này chuẩn bị diễn ra cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 20/12. Tổng thống Tshisekedi đã bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình bằng bài phát biểu cáo buộc Rwanda gây bất ổn cho CHDC Congo.
Hàng chục phe phái vũ trang đã hoạt động ở Đông Congo trong nhiều thập kỷ qua. Theo các chuyên gia của Liên hợp quốc, có "bằng chứng đáng kể" cho thấy, Rwanda đang hỗ trợ cho nhóm nổi dậy M23, điều mà Rwanda phủ nhận.
Phái bộ ổn định của Liên hợp quốc đã hoạt động tại Cộng hòa Dân chủ Congo từ năm 1999. Nhiệm vụ chính của phái bộ là bảo vệ dân thường khỏi các nhóm vũ trang và hỗ trợ những nỗ lực của chính phủ nhằm ổn định tình hình ở miền Đông Congo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!