Nguyên nhân của việc tạm dừng những chương trình ở Afghanistan bắt nguồn từ lệnh cấm của chính quyền Taliban với các nữ nhân viên cứu trợ.
Giám đốc viện trợ của Liên hợp quốc Martin Griffiths cho biết trong một tuyên bố chung rằng "sự tham gia của phụ nữ trong việc cung cấp viện trợ là không thể thương lượng và phải tiếp tục", kêu gọi giới chức ở Afghanistan đảo ngược quyết định cấm này.
"Cấm phụ nữ làm công việc nhân đạo có hậu quả đe dọa tính mạng ngay lập tức đối với tất cả người dân Afghanistan. Hiện tại, một số chương trình quan trọng đã phải tạm dừng do thiếu nhân viên nữ", tuyên bố nêu rõ.
"Chúng tôi không thể bỏ qua những hạn chế hoạt động mà chúng tôi hiện đang phải đối mặt với với tư cách là một cộng đồng nhân đạo. Chúng tôi sẽ nỗ lực để tiếp tục các hoạt động cứu sinh khẩn cấp. Nhưng chúng tôi thấy trước rằng nhiều hoạt động sẽ cần phải tạm dừng vì chúng tôi không thể cung cấp hỗ trợ nhân đạo về nguyên tắc nếu không có các nữ nhân viên cứu trợ".
Lệnh cấm phụ nữ tham gia các tổ chức nhân đạo, nhóm cứu trợ đã được chính quyền Hồi giáo do Taliban lãnh đạo công bố hôm 24/12, sau khi Taliban ra lệnh cấm phụ nữ theo học các trường đại học. Trước đó, trẻ em gái đã bị đình chỉ việc học trung học vào 3.
Ông Martin Griffiths. (Ảnh: UN)
Tuyên bố được đồng ký bởi những người đứng đầu UNICEF, Chương trình Lương thực Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Cao ủy Liên hợp quốc: "Không quốc gia nào có thể loại trừ một nửa dân số của mình đóng góp cho xã hội".
Ngoài ra, 12 quốc gia và EU đã cùng nhau kêu gọi Taliban bãi bỏ lệnh cấm các nữ nhân viên cứu trợ, cho phép phụ nữ và trẻ em gái trở lại trường học.
Ngoại trưởng các nước Australia, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Sĩ, Hà Lan, Anh, Mỹ và EU đã ra tuyên bố cho biết, lệnh cấm nữ nhân viên cứu trợ "gây nguy hiểm cho hàng triệu người Afghanistan, những người phụ thuộc vào hỗ trợ nhân đạo để sinh tồn".
Bốn tổ chức toàn cầu lớn, có viện trợ nhân đạo đã đến tay hàng triệu người Afghanistan, hôm 25/12 xác nhận, họ đang tạm dừng hoạt động vì không thể điều hành các chương trình của mình nếu không có nhân viên nữ.
Theo tuyên bố của Liên hợp quốc, lệnh cấm nhân viên cứu trợ nữ "được đưa ra vào thời điểm hơn 28 triệu người ở Afghanistan cần được hỗ trợ để tồn tại, khi đất nước phải vật lộn với nguy cơ xảy ra nạn đói, suy giảm kinh tế, nghèo đói và mùa đông khắc nghiệt".
Các cơ quan và nhóm viện trợ của Liên hợp quốc, bao gồm World Vision International, CARE International, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Hoa Kỳ, Mercy Corps và InterAction, sẽ "kiên quyết thực hiện cam kết cung cấp hỗ trợ độc lập, có nguyên tắc, cứu sinh cho tất cả phụ nữ, nam giới và trẻ em cần cứu trợ".
Taliban lên nắm quyền vào tháng 8/2021, chủ yếu cấm giáo dục trẻ em gái khi nắm quyền cách đây hai thập kỷ, nhưng cho biết chính sách của họ nay đã thay đổi. Chính quyền do Taliban lãnh đạo đã không được quốc tế công nhận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!