Ông Joe Biden, gương mặt đại diện Đảng Dân chủ tranh cử tổng thống Mỹ 2020 (Nguồn: The Financial Times)
Từ một chính trị gia lặng lẽ…
Một buổi chiều muộn ngày 2/2/2020, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ Tổng thống Mỹ tại bang Iowa, cánh phóng viên chen chúc trong nhà thể chất một trường trung học ở Des Moines, thủ phủ bang, chờ đợi buổi mít-tinh bế mạc của ông Joe Biden.
Không ai nghĩ ngày hôm sau, ông lại giành chiến thắng mở màn mùa bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ. Cũng chẳng ai tưởng tượng được rằng ông sẽ suýt đánh bại Thượng nghị sĩ bang Vermont, Bernie Sanders, tại New Hampshire tuần sau đó. Mặc dù vẫn luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, cựu Phó Tổng thống Mỹ 77 tuổi này vẫn chưa thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông.
Chiều muộn hôm ấy, một đám đông vài trăm người chờ đợi trong tâm trạng không mong đợi gì nhiều. Khoảng nửa tiếng sau, ông Biden bước vào cùng một số chính trị gia đã về hưu gồm: cựu Ngoại trưởng John Kerry, 76 tuổi; Thượng nghị sĩ bang Connecticut đã về hưu Chris Dodd, 75 tuổi; cựu Thống đốc bang Iowa, Tom Vilsack, 69 tuổi và Chủ tịch Hiệp hội cứu hỏa quốc tế Harold Schaitberger, 73 tuổi. Không khí dường như bị rút cạn khỏi căn phòng. Bài độc thoại của ông Biden chẳng thể làm bầu không khí sôi nổi hơn. Một người dẫn truyền hình thậm chí còn dùng từ "đưa đám" để giễu nhại bài phát biểu ấy.
27 ngày sau, ông Biden đã "làm mưa làm gió" tại cuộc bầu cử ở bang South Carolina. Ngoại trừ Bernie Sanders, người vẫn chiến đấu thêm 5 tuần sau đó, phần lớn những ứng viên trong cuộc đua của Đảng Dân chủ đều đã bỏ cuộc và đứng ra ủng hộ ông Biden.
Đó là một cú ngoặt bất ngờ. Bởi lịch sử chạy đua vào Nhà Trắng của ông Biden không mang lại cho ông quá nhiều hy vọng lần này. Suốt hơn 32 năm, ông chưa giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử sơ bộ nào.
Năm 1987, ông rút lui vài tháng trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu, bị cáo buộc đạo văn bài phát biểu của lãnh đạo Công đảng Anh Neil Kinnock. Năm 2008, ông bỏ cuộc sau khi chỉ dành được 0,9% phiếu bầu trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa.
"Vào thời điểm đó, phần lớn mọi người đều nghĩ cơ hội làm Tổng thống của ông ấy thế là tiêu tan rồi" - bà Shailagh Murray, khi ấy là nhà báo của tờ Bưu điện Washington, sau này là Phó Chánh Văn phòng của ông Biden, nhớ lại như vậy.
Không ai tưởng tượng được rằng người chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của bang Iowa năm ấy, Barack Obama, lại chọn Biden làm người đồng hành của mình trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ông Biden cùng với vợ nhận đề cử của Đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 (Nguồn: New York Times)
… đến cơ hội trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ
Không có cỗ máy thời gian, người ta chỉ có thể dựa vào những con số. Cả thị trường cá cược (với tỷ lệ khoảng 2 - 1 nghiêng về ông Biden) và các cuộc thăm dò (trung bình ông Biden dẫn trước Tổng thống Donald Trump 8 điểm) đều dự đoán rằng ông Biden sẽ là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng vào cuối năm nay, ông Biden sẽ là người hoàn thành chặng marathon dài nhất trong lịch sử chính trị Mỹ. Phần lớn người dân Mỹ còn chưa ra đời khi ông Biden lần đầu bước chân vào giới chính trị. Ở tuổi 30, ông là Thượng nghị sĩ trẻ thứ 5 của nước Mỹ. Sự nghiệp chính trị 48 năm của ông còn dài hơn sự nghiệp của John F. Kennedy, Bill Clinton và Barack Obama khi họ đắc cử Tổng thống Mỹ.
Vậy nếu ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ, điều gì sẽ chờ đợi ông?
Ứng phó với dịch bệnh sẽ là ưu tiên thứ nhất, thứ hai và thứ ba của bất kỳ vị Tổng thống tiếp theo nào của nước Mỹ. Trong tình trạng mở cửa một phần như hiện này, không dễ dàng tạo nên nhiều sự thay đổi. Chủ trương kinh tế của ông Biden được xem là cấp tiến so với tiêu chuẩn của bất kỳ vị Tổng thống Mỹ gần đây nào từ Đảng Dân chủ, bao gồm cả Obama.
"Chúng tôi sẽ có sự huy động đầu tư lớn nhất kể từ Thế chiến II" -Giám đốc chính sách của ông Biden, Stef Feldman, cho biết - "Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng cách chuẩn bị cung ứng và hậu cần cho đại dịch như khi sẵn sàng cho một cuộc chiến".
Một số người so sánh thách thức khổng lồ hiện tại với năm 1932 khi Franklin D Roosevelt đắc cử Tổng thống Mỹ giữa thời kỳ đại suy thoái. Nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, so với cuộc đại suy thoái thì ứng phó với dịch COVID-19 có phần bớt khó khăn hơn. Đến tháng 1 năm sau, thế giới sẽ tiệm cận gần hơn thời điểm có vaccine. Ông Biden có thể sẽ hoàn thành được nhiều việc trong 100 ngày đầu tiên.
Theo nhận định của người chỉ đạo chính sách chiến dịch của ông Biden, Jake Sullivan, những "quả ngọt" chính sách quốc tế mà ông Biden sẽ hái được bao gồm tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông cũng sẽ nhóm họp hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về ứng phó với đại dịch COVID-19. Những giải pháp trong nước sẽ bao gồm ngừng xây tường biên giới Mỹ - Mexico, tổ chức họp báo COVID-19 hằng ngày do tiến sĩ Fauci Anthony hay Ron Klain (người đứng đầu đội ngũ ứng phó với Ebola của cựu Tổng thống Obama) chủ trì và chọn một tổng chưởng lý có khả năng xử lý tốt vấn đề xung đột sắc tộc.
Ông Biden tại bang South Carolina tháng 2/2020 (Nguồn: The New York Times)
Nhiều thách thức đang chờ đón
Tuy nhiên, ông Biden cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Xu thế địa chính trị không còn đặc biệt ổn định như dưới thời cựu Tổng thống Obama. Cái bóng của Trung Quốc ngày càng lớn hơn so với hồi năm 2016. Thủ tướng Đức Angela Merkel, đồng minh châu Âu ưa thích của ông Biden, sẽ về hưu vào năm tới. Và ông cũng không có khuynh hướng mang lại một thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ như thủ tướng Anh Boris Johnson mong muốn.
Từ trước đến nay, không phải ai cũng ủng hộ quan điểm về chính sách đối ngoại của ông Biden như các vấn đề về chiến tranh Iraq hay Afghanistan. Ông từng là tiếng nói cô độc phản đối cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại Pakistan.
Nhưng cơn đau đầu lớn nhất của ông Biden có lẽ nằm ở trong nước. Trong những tuần tới, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ giải ngân hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ từ giáo dục đại học cho tới vấn đề băng thông rộng ở vùng nông thôn. Nếu ông Biden làm theo cựu Tổng thống Obama, chọn những cố vấn kinh tế thân với phố Wall, sự ngờ vực của cánh tả sẽ dấy lên.
Trong khi đó, vào tuần trước, cố vấn kinh tế trưởng của ông Obama và Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Lawrence Summers, đã từ chối gia nhập vào đội ngũ của ông Biden.
"Thời kỳ của tôi trong chính phủ đã ở phía sau rồi" - ông Summers nói như vậy tại Diễn đàn An ninh Aspen.
Bất chấp những khó khăn phía trước trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Joe Biden vẫn được xem như biểu tượng của tinh thần "có thể làm" của nước Mỹ. Bà Shailagh Murray gọi ông là "người có tinh thần lạc quan". Một quan chức trong chiến dịch tranh cử nói về ông như một người có "thấu cảm chiến lược".
Còn ông Biden lại thích nói đến chuyện "người gặp đúng thời điểm". Cứ mỗi lần chạy đua vào Nhà Trắng, ông lại nói vui về bản thân mình như vậy. Và lần này, Joe Biden đã chọn "đúng thời điểm" của mình, như nhận định của tờ The New York Times.
"Joe Biden không phải gương mặt mới nhưng là một gương mặt đáng tin cậy. Tôi không thể nghĩ đến ai có khả năng biến khó khăn thành hy vọng như ông ấy" - cựu Thượng nghị sĩ bang California Barbara Boxer nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!