Sử dụng công cụ chỉnh sửa gen có tên Crispr-Cas, công cụ đã đoạt giải Nobel năm 2020, các nhà khoa học tại trường Đại học Amsterdam (Hà Lan) có thể nhắm mục tiêu vào ADN của HIV, loại bỏ mọi dấu vết của virus khỏi các tế bào bị nhiễm bệnh.
Công nghệ chỉnh sửa gen Crispr-Cas hoạt động cơ bản như một chiếc kéo. Nó có thể cắt ADN ở một số điểm nhất định, cho phép loại bỏ các gen không mong muốn hoặc đưa vật liệu di truyền mới vào tế bào.
Hiện nay, các loại thuốc điều trị HIV có thể ngăn chặn nhưng không loại bỏ được virus hoàn toàn. Các tác giả nghiên cứu cho biết mục đích của họ là cố gắng tạo ra một phương pháp an toàn điều trị căn bệnh thế kỷ này.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học khác cũng đang cố gắng sử dụng Crispr để chống lại HIV. Công ty dược phẩm sinh học Excision BioTherapeutics có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) cho biết sau 48 tuần thử nghiệm, 3 tình nguyện viên nhiễm HIV không gặp tác dụng phụ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Jonathan Stoye, một chuyên gia về virus tại Viện Francis Crick (London), nhấn mạnh việc loại bỏ HIV khỏi tất cả các tế bào có thể chứa nó trong cơ thể là "cực kỳ thách thức".
Các nhà khoa học hy vọng có thể loại bỏ hoàn toàn virus HIV khỏi cơ thể, mặc dù sẽ cần nhiều bước tiếp theo để kiểm tra xem phương pháp này có an toàn và hiệu quả không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!