Cách đây 6 năm, Liên Hợp Quốc đặt mục tiêu chấm dứt nạn đói trên thế giới vào năm 2030, hồi đó, điều này có vẻ như là một mục tiêu có thể đạt được. Nhưng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, dịch COVID-19 phức tạp thì mục tiêu ấy giờ không còn dễ đạt được.
Tháng 7/2021. Trận lũ lịch sử đã quét qua thung lũng ở miền Tây nước Đức, cướp đi sinh mạng của hơn 100 người, hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy. Lũ xóa xổ 90% ngôi làng gần đó.
Giáo sư Lothar Schrott - Đại học Bonn, Đức cho rằng: "Người dân hoàn toàn bị động khi thiên tai xảy đến, họ chẳng biết phải phòng bị thế nào. Tôi nghĩ ứng dụng cảnh báo thiên tai cũng là một lựa chọn tốt, nhưng có nghĩa lý gì nếu mạng điện thoại không hoạt động do mưa bão".
Thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng phổ biến và ở khắp nơi trên thế giới, không chỉ riêng tại Đức. Mực nước biển dâng và mưa lớn là những hệ lụy của biến đổi khí hậu. Cứ mỗi ngày trôi qua, ở một nơi nào đó trên thế giới lại xảy ra một dạng thời tiết cực đoan. Điều mà chúng ta chưa từng thấy trước đây.
Lũ lụt kinh hoàng ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc. Ảnh: AP
Lũ lụt không chỉ khiến hàng nghìn người mất nhà cửa, mà hệ thống giao thông cũng bị tê liệt, khiến cho việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
20 triệu người phải rời bỏ quê hương vì biến đổi khí hậu, nếu chúng ta không nhận định biến đổi khí hậu là chuyện nghiêm trọng thì con số này sẽ còn tăng lên. Hậu quả nhãn tiền không chỉ là thiệt hại về người và của, mà còn là nạn đói. Mục tiêu xóa sổ nạn đói vào năm 2030 của Liên Hợp Quốc dường như khó thành hiện thực. Người ta ước tính rằng, hơn 800 triệu người trên khắp thế giới sẽ không có đủ ăn vì biến đổi khí hậu.
Đảo Madagascar đang phải đối mặt với nạn đói mà theo Liên Hợp Quốc thì biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính. Một người đàn ông là cha của 6 đứa con cho biết, nhiều ngày nay, thứ mà gia đình anh bỏ bụng là bột ngô. "Không có mưa, ruộng đồng không trồng trọt được gì, chúng tôi từng nhịn đói trong nhiều ngày liền".
Nơi thì biển nước mênh mông, nơi thì cánh đồng khô hạn, nhưng có một điểm chung, đó là cuộc sống của người dân địa phương đều bị tác động nghiêm trọng và mất nhiều thời gian để khôi phục.
El Nino ảnh hưởng đến sức khỏe hàng triệu trẻ em
Tình trạng mưa nhiều ở nơi này, nhưng lại hạn hán ở nơi kia do hiện tượng El Nino sẽ khiến hàng triệu trẻ em ở các khu vực nhiệt đới bị suy dinh dưỡng. Hậu quả lâu dài sẽ là các em không phát triển được đầy đủ trong nhiều năm sau đó.
Ảnh minh họa. (Nguồn: earth.com)
Một nhóm các nhà nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo này trên tạp chí Nature Communications, đồng thời kêu gọi hành động để ngăn chặn tác động có thể dự đoán trước này. Nghiên cứu chỉ rõ, thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực. Hệ quả là hàng triệu trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, nhiều trẻ sẽ tử vong khi nhập viện.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng trong khoảng thời gian xảy ra hiện tượng El Nino điển hình dẫn tới thiếu nguồn cung lương thực hồi năm 2015 đã khiến cho tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao gấp 3 lần so với thời kỳ đại dịch COVID-19. Hiện các nhà khí tượng học có thể dự đoán thời gian diễn ra El Nino trước ít nhất 6 tháng, do vậy chính phủ các nước có thể chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó, giảm thiểu các tác động tiêu cực của hiện tượng này.
Greenland - chìa khóa giải quyết một số vấn đề biến đổi khí hậu?
Để đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu, cần rất nhiều nỗ lực từ các cá nhân và tổ chức, thậm chí còn từ chính Trái Đất. Tại Greenland, một nơi được bao phủ bởi các sông băng, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một trong những chìa khóa giúp phần nào giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đó là một loại đá thiên nhiên đặc biệt, hay còn biết đến với tên gọi "Bụi Mặt trăng".
Các khối băng lớn tại Greenland đang tan với tốc độ rất nhanh. Ảnh: Getty Images
Một số công ty khai thác mỏ, nhà đầu tư và nhà địa chất đang rất hào hứng về một loại đá có tên là anorthosite, được tìm thấy ở vịnh hẹp màu ngọc lam ở phía tây nam Greenland. Tương tự như đá mà các sứ mệnh Apollo mang về từ Mặt trăng, anorthosite là một mỏ nhôm tương đối bền vững, thân thiện với môi trường để tạo ra sợi thủy tinh.
Ông Anders Norby-Lie - Nhà địa chất học cho biết: "Bãi đá này được tạo ra ở độ sâu tương đối lớn, nó được tạo ra trong những ngày đầu hình thành thế giới của chúng ta".
Công ty mỏ Greenland Anorthosite đang có kế hoạch vận chuyển 120 tấn anorthosite nghiền nhỏ cho các khách hàng tiềm năng trong ngành công nghiệp sợi thủy tinh - thay thế cho đất sét cao lanh. Một mục tiêu lớn hơn nữa là sử dụng anorthosite thay thế cho boxit để sản xuất nhôm.
Theo các chuyên gia, đá anorthosite nóng chảy ở nhiệt độ thấp hơn, có hàm lượng kim loại nặng thấp hơn và tạo ra ít chất thải và khí thải nhà kính hơn.
Các nhà nghiên cứu đang thực hiện đánh giá tác động môi trường và tác động xã hội trong khai thác loại khoáng sản này. Họ kỳ vọng có thể có giấy phép khai thác đá anorthosite vào năm sau để giảm thiểu một phần nào lượng khí thải carbon ra môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!