Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine?

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 20/02/2022 13:48 GMT+7

VTV.vn - Cuộc khẩu chiến giữa Nga và các nước phương Tây vẫn đang rất nóng bỏng. Cần có những xung lực nào để tháo "ngòi nổ" cho khủng hoảng Ukraine?

Ngày 16/2 qua đi, không có một cuộc tấn công nào của Nga nhằm vào Ukraine theo kịch bản mà những nguồn tin tình báo và quan chức Mỹ dự đoán. Nga cũng đã bắt đầu đưa một phần lực lượng binh sĩ của mình trở lại sau các cuộc tập trận gần biên giới Ukraine.

Tuy nhiên, ngay cả khi không xảy ra một cuộc tấn công, thế trận đối đầu của Nga với phương Tây vẫn rơi vào bế tắc. Ngoại giao con thoi giữa các quan chức phương Tây, Nga và Ukraine vẫn chưa tạo ra được bất kỳ thỏa thuận đột phá nào. Ngược lại, cuộc khẩu chiến, cáo buộc lẫn nhau vẫn tiếp diễn.

Không có một cuộc tấn công nào nhằm vào Ukraine

Ngày 15/2, Nga thông báo các đơn vị thuộc quân khu phía Tây và phía Nam đang trở về căn cứ sau khi hoàn thành diễn tập gần Ukraine. Cho đến nay, diễn biến này gần như xóa tan cáo buộc từ truyền thông phương Tây khi cho rằng, nguy cơ chiến tranh đang cận kề và Nga sẽ tấn công Ukraine vào ngày 16/2.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã gửi đi thông điệp rằng, ngày 15/2/2022 sẽ đi vào lịch sử khi là ngày "cỗ máy tuyên truyền chiến tranh" của phương Tây thất bại.

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine? - Ảnh 2.

Bà Maria Zakharova - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga (Ảnh: AP)

"Chúng tôi kêu gọi các nước phương Tây ngừng chống Nga điên cuồng, ngừng bơm vũ khí cho Kiev. Những hành động này ảnh hưởng tiêu cực đến cả việc giải quyết xung đột ở Donbass cũng như an ninh, ổn định ở châu Âu" - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh.

Những căng thẳng ngoại giao trong cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trước đó, Mỹ thông báo, đại sứ quán Mỹ ở Kiev sẽ dừng tất cả dịch vụ lãnh sự từ ngày 13/2 và chỉ duy trì sự hiện diện lãnh sự nhỏ ở Lviv. Sau quyết định của Mỹ, một số nước phương Tây như Canada và Australia cũng chuyển hoạt động ngoại giao tới Lviv. Một loạt nước như Mỹ, Anh, Na Uy, New Zealand, Thụy Điển, Hà Lan, Australia khuyến cáo công dân rời Ukraine ngay lập tức.

Ngày 17/2, Nga công bố toàn bộ nội dung văn bản phản hồi đề xuất của Mỹ về an ninh châu Âu và khẳng định, các đề xuất của Nga đã bị bỏ qua theo hướng tạo lợi thế cho Mỹ và các đồng mình. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, trong trường hợp phía Mỹ không sẵn sàng nhất trí về những cam kết chắc chắn và mang tính ràng buộc pháp lý, Nga sẽ buộc phải đáp trả, trong đó có khả năng triển khai các biện pháp quân sự - kỹ thuật.

Ngay sau đó, Nga trục xuất Phó Đại sứ Mỹ tại Moscow, Bartle Gorman, nhằm nhằm đáp trả việc Mỹ trục xuất vô Tham tán công sứ của Đại sứ quán Nga ở Washington. Mỹ cho rằng, đây là một bước leo thang và đang cân nhắc đáp trả.

Một ngày sau, tại Hội nghị an ninh Munich, các quốc gia phương Tây vẫn giữ quan điểm cứng rắn, chỉ trích các cuộc tập trận của Nga ở khu vực biên giới Ukraine và quan ngại về nguy cơ bất ổn tại châu Âu. Tuy nhiên, các ý kiến đều thống nhất cho rằng cần phải đối thoại để tháo ngòi nổ căng thẳng hiện nay.

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine? - Ảnh 3.

Bà Annalena Baerbock - Bộ trưởng Ngoại giao Đức (Ảnh: AP)

"Trách nhiệm của chúng ta sau Chiến tranh thế giới thứ hai là phải đảm bảo rằng không bao giờ để xảy ra chiến tranh nữa" - Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock.

Theo quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ, các cuộc đối thoại giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine đang phụ thuộc vào việc Nga thực hiện tuyên bố của mình, sớm rút quân và các thiết bị quân sự hạng nặng ở khu vực biên giới Ukraine.

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine? - Ảnh 4.

Ông Antony Blinken - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ (Ảnh: AP)

"Mỹ đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng có một con đường ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, những khác biệt phải được giải quyết thông qua đối thoại" - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken.

Không có một hành động tấn công nào như kịch bản mà truyền thông phương Tây nói đến, tuy nhiên, không có nghĩa là cuộc khủng hoảng này đã được giải quyết. Ngoại trưởng Mỹ và Nga dự định sẽ gặp nhau vào tuần tới.

Tình trạng "bên miệng hố chiến tranh" trong khủng hoảng Ukraine

Cuộc khủng hoảng Ukraine là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lòng châu Âu từ sau chiến tranh lạnh. Do đó, dễ hiểu là các nước châu âu đã phải triển khai những nỗ lực ngoại giao cấp cao nhất để tìm giải pháp hạ nhiệt. Nhưng cách châu Âu tìm cách giải quyết vấn đề này đã bộc lộ những rạn nứt của EU trong bối cảnh phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về an ninh.

Thời gian qua, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cho cuộc khủng hoảng chỉ tập trung vào hai nước chủ chốt của EU là Pháp và Đức. Trong khi Tổng thống Pháp Macron đến Nga tìm kiếm các cam kết từ Tổng thống Putin giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng thì các quốc gia Đông Âu lại chỉ trích lập trường hợp tác của ông Macron với Nga, cho rằng Pháp đang đàm phán về một "trật tự an ninh mới của châu Âu".

Nhằm đối phó những chỉ trích nêu trên và thể hiện vai trò lãnh đạo châu Âu, ông Macron lại phải tham vấn các lãnh đạo phương Tây, gồm Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ trước khi đến Ukraine.

Những mâu thuẫn gia tăng khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra và Liên minh châu Âu tuyên bố có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Các biện pháp trừng phạt này trực tiếp ảnh hưởng tới nhiều nước EU, như Hungary, Bulgary và Romania, có mối quan hệ chặt chẽ với Nga nên cũng gây những bất đồng giữa các thành viên.

Châu Âu lúng túng và chia rẽ trong vấn đề Ukraine

Sau Hội nghị an ninh Munich, các nhà lãnh đạo châu Âu kêu các gọi các nước thành viên EU đoàn kết, ủng hộ quyền tự quyết của Ukraine đối với việc gia nhập NATO; giữ lập trường cứng rắn với Nga trong vấn đề Ukraine, yêu cầu Nga sớm rút quân và các thiết bị quân sự hạng nặng khỏi khu vực biên giới với Ukraine.

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine? - Ảnh 5.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong Hội nghị An ninh Munich ở Munich, Đức, ngày 19/2 (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Đức cho biết, Đức sẵn sàng các biện pháp trừng phạt liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2 nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu thậm chí còn cáo buộc các hành động của Nga nhằm thiết lập lại một trật tự quốc tế có lợi cho Nga. Tổng thư ký NATO khẳng định, NATO không đe dọa Nga song sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các đồng minh.

Nga sử dụng triệt để biện pháp răn đe quân sự

Có thể thấy, động thái quân sự gần đây của Nga cùng với tuyên bố cứng rắn về "lằn ranh đỏ", đưa ra gói điều kiện bảo đảm an ninh… đã khiến cả Mỹ và châu Âu náo động. Nhất cử nhất động của quân đội Nga đều được truyền thông phương Tây theo sát.

Giới quan sát cho rằng, lực lượng quân đội được hiện đại hóa đang là công cụ then chốt trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, tạo nên ảnh hưởng đối với phương Tây. Theo nhận định của ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva, khủng hoảng Ukraine đã cho thấy, lần đầu tiên kể từ cuối thời kỳ Chiến tranh lạnh, Nga sẵn sàng sử dụng con bài răn đe bằng quân sự để ngăn chặn sự mở rộng của phương Tây vào khu vực ảnh hưởng của Nga.

Nga nhiều lần mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc về một cuộc tấn công Ukraine nhưng sự hiện diện của lực lượng quân đội Nga trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cùng những cuộc tập trận rầm rộ gần khu vực biên giới như một lời cảnh báo đối với phương Tây. Tổng thống Putin coi sự kiềm chế bằng vũ lực của phương Tây là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và Nga đang đáp trả bằng chính các biện pháp răn đe quân sự.

Dù ở thời điểm này, Nga tuyên bố đã hoàn thành một số cuộc diễn tập ở khu vực gần biên giới Ukraine nhưng các cuộc tập trận khác vẫn được tiến hành. Theo các chuyên gia, cuộc đấu trí, đấu lực giữa Nga và phương Tây chắc chắn còn phải kéo dài để hai bên có thể đạt được những kết quả khả thi trên bàn đàm phán.

"Thùng thuốc súng" miền Đông Ukraine bùng phát

Bầu không khí ngoại giao vẫn nóng nhưng trên thực địa, khu vực miền Đông Ukraine còn nóng hơn. Giao tranh đang leo thang ở miền đông Ukraine với các trận pháo kích liên tục, tiềm ẩn nguy cơ "thùng thuốc súng" bùng nổ vượt kiểm soát.

Lực lượng ly khai ở CH Luganks, CH Donesk tự xưng và chính quyền ở Kiev cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn dọc chiến tuyến giữa đôi bên.

Hãng Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết, tính đến sáng 18/2, các nhà quan sát thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã ghi nhận 80 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn tại đường ranh giới. Đêm hôm thứ Sáu, một vụ nổ xảy ra vào khoảng 7 giờ tối ngay gần trụ sở tòa nhà chính quyền địa phương CH Donetsk tự xưng. Người dân Donetsk đã được yêu cầu giữ bình tĩnh, cảnh giác và sơ tán tới các khu vực an toàn và đã được phía Nga đồng ý giúp đỡ. Tổng thống Nga Putin đã chỉ thị cho chính quyền tỉnh Rostov, giáp giới với vùng Donbass của Ukraine, hỗ trợ những người sơ tán.

Theo hãng thông tấn Tass của Nga, hôm qua, hơn 80 xe bus chở hàng trăm người tị nạn đã tới tỉnh Rostov. Những người được ưu tiên sơ tán trước tiên là trẻ em, người già và phụ nữ. Tổng thống Putin cũng đã chỉ thị quyền Bộ trưởng Bộ các tình trạng khẩn cấp của Nga Alexander Chupriyan khẩn trương bay tới Rostov để hỗ trợ công tác tiếp nhận và tổ chức nơi ăn ở cũng như chăm sóc y tế cho những người tị nạn. Dự kiến, nhu cầu sơ tán có thể lên tới hàng chục nghìn người.

Mỹ tiếp tục cáo buộc Nga muốn tấn công Ukraine

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiết lộ một số thông tin bình báo của nước này cho biết, các lực lượng Nga đang chuẩn bị triển khai một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine "trong vài ngày tới".

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine? - Ảnh 6.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AP)

"Trong những tháng qua, khi không có hành động khiêu khích nào, Nga đã đưa hơn 150 nghìn quân đến khu vực xung quanh biên giới của Ukraine ở Nga, Belarus, Crimea. Nga cho biết, họ đang rút bớt lực lượng nhưng chúng tôi không thấy điều đó xảy ra trên thực tế. Thông tin của chúng tôi cho biết, các lực lượng của Nga, bao gồm binh sĩ trên mặt đất, máy bay, tàu chiến, đang chuẩn bị mở cuộc tấn công Ukraine trong những ngày tới"

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken

Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin bác cáo buộc của Mỹ và khẳng định, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ là một động thái "đáng tiếc" và "nguy hiểm", có nguy cơ "đổ thêm dầu vào lửa" cho tình trạng căng thẳng hiện nay.

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine? - Ảnh 8.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin (Ảnh: Vestnik Kavkaza)

"Tôi muốn nói với các bên rằng có thể dừng việc chơi đùa trước ống kính camera rồi đấy. Đừng biến cuộc gặp gỡ này của chúng ta thành gánh gánh xiếc. Tôi sẽ không trình bày ở đây những cáo buộc vô căn cứ nói rằng Nga bị cáo buộc tấn công Ukraine. Tôi nghĩ rằng đã có đủ suy đoán về điều đó, bao gồm cuộc họp của Hội đồng Bảo An vào ngày 31/1 do Mỹ triệu tập. Vì vậy, lời khuyên của tôi dành cho các bạn rằng, không nên để bản thân rơi vào tình uống khó xử. Xin cảm ơn"

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin

Không chỉ nóng bên trong phiên họp của Hội đồng Bảo an, vấn đề Ukraine cũng thu hút sự chú ý bên lề phiên họp.

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine? - Ảnh 10.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP)

"Chúng tôi tin rằng, Nga đang tìm cớ để có thể tiến hành tấn công Ukraine. Mọi dấu hiệu của Nga mà chúng tôi có được cho thấy, nước này đang chuẩn bị tiến vào và tấn công Ukraine"

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine? - Ảnh 12.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: AP)

"Việc rút quân đã bắt đầu. Tất cả chúng ta đã xem những thước phim và thông tin do Bộ Quốc phòng Nga công bố. Đây là một quá trình kéo dài. Rõ ràng là việc tập trung quân cho huấn luyện đã được tiến hành trong nhiều tuần, cho nên dĩ nhiên là không thể rút quân chỉ trong 1 ngày. Họ đâu thể cứ vỗ cánh bay đi. Cần thời gian chứ"

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine? - Ảnh 14.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Ảnh: Global Times)

"Việc lan truyền thông tin sai lệch để tạo ra bầu không khí căng thẳng không giúp giải quyết vấn đề Ukraine. Phía Mỹ cần nghiêm túc xem xét và giải quyết những lo ngại chính đáng của Nga về đảm bảo an ninh và đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine trên cơ sở thỏa thuận Minsk, thay vì thổi phồng cuộc khủng hoảng và làm gia tăng căng thẳng"

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân

Tháo "ngòi nổ" khủng hoảng ở Ukraine

Những cuộc giao tranh ở miền Đông Ukraine, các màn khẩu chiến ngoại giao và đổ lỗi lẫn nhau bây giờ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính quyền Mỹ và đồng minh phương Tây vẫn cáo buộc Nga sẽ mở một cuộc tấn công vào Ukraine. Và cuộc khủng hoảng này đã cho thấy hành động răn đe quân sự có tác động mạnh như thế nào.

Nga khẳng định không có một cuộc tấn công nào nhưng Tổng thống Nga Putin đang rất cứng rắn trong việc sử dụng lá bài răn đe quân sự, để tạo sức nặng cho cuộc mặc cả với phương Tây về một thỏa thuận đảm bảo an ninh cho Moscow.

Cuộc khủng hoảng này cũng cho thấy những lúng túng của các nước phương Tây khi không thể đưa đưa ra một đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Cho tới lúc này, Ukraine không phải là nơi diễn ra một cuộc chiến nhưng Ukraine là một vấn đề quan trọng trong cuộc đàm phán được cho là khó khăn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh lạnh. Cả thế giới đang cùng chờ xem hai bên sẽ có những bước đi gây sức ép lẫn nhau như thế nào và sẽ có nhượng bộ ra sao để tìm lối thoát cho những căng thẳng hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước