Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên tại Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Biến thể Omicron khiến số ca mắc mới tăng nhanh tại nhiều quốc gia. Khu vực châu Âu hiện có hơn 135,9 triệu ca nhiễm, trong đó có 1.638.777 ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai về số ca nhiễm, hiện là hơn 104,5 triệu ca. Khu vực Bắc Mỹ đứng thứ hai về số ca tử vong, với 1.341.740 ca.
Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong, hiện là hơn 78 triệu ca nhiễm và 926.029 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai với hơn 42,2 triệu ca nhiễm, trong đó có 502.905 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với hơn 26,5 triệu ca nhiễm. Đáng chú ý, Brazil ngày 7/2 phát hiện 5 ca nhiễm biến thể "Omicron tàng hình", dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron. Biến thể BA.2 được cho là có khả năng "tàng hình" tốt hơn so với biến thể Omicron gốc vì có những đặc điểm di truyền đặc biệt khiến nó khó bị theo dõi. Một số nhà khoa học lo ngại rằng BA.2 cũng có thể dễ lây lan hơn. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ về biến thể này, trong đó có câu hỏi liệu nó có né tránh vaccine tốt hơn hay gây bệnh nặng hơn hay không.
Tiếp tục chính sách quét sạch COVID-19 trong cộng đồng (Zero-COVID), Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Bách Sắc, thuộc khu vực Quảng Tây, sau khi ghi nhận 37 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong ngày 6/2. Giới chức thành phố Bách Sắc đã yêu cầu người dân ở nhà từ ngày 7/2 và tránh đi lại không cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Thành phố này cũng tạm ngừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, giao thông công cộng, đóng cửa trường học và tạm hoãn mở cửa trở lại các cửa khẩu dọc biên giới. Các nhân viên trong những ngành thiết yếu ở Bách Sắc cần phải có giấy thông hành mới được di chuyển trong nội thành.
Trong khi đó, tình hình lây lan dịch bệnh tại Nga đang có dấu hiệu giảm. Nước này ghi nhận 171.905 ca nhiễm mới, lần đầu tiên giảm kể từ ngày 10/1. Biến thể Omicron đã được ghi nhận tại 84 trong tổng số 85 tỉnh trên cả nước.
Dịch bệnh tại Nga đang có dấu hiệu giảm. Ảnh: AP
Tại Indonesia, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết chính phủ cũng như người dân nước này có thể vượt qua làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba do biến thể Omicron gây ra vào cuối tháng 2 này. Ông kêu gọi công chúng bình tĩnh, duy trì cảnh giác và nghiêm túc thực hiện các quy định y tế, đặc biệt là ở những khu vực có số ca lây nhiễm gia tăng đột biến. Ông cho biết tình hình vẫn đang được kiểm soát tại các cơ sở điều trị COVID-19.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Malaysia, Khairy Jamaluddin cho biết nước này đang trong giai đoạn lây nhiễm biến thể Omicron, song tình trạng lây nhiễm sẽ không nghiêm trọng như làn sóng biến thể Delta diễn ra hồi năm ngoái. Kể từ ngày 6/2, số ca mắc mới ở Malaysia đã tăng đáng kể, lên hơn 11.000 ca và ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp có số ca mắc mới hơn 10.000 ca. Tuy nhiên, đa số các ca nhiễm mới đều ở mức độ 1 và 2 (mức độ nhẹ nhất trong thang phân loại gồm 5 mức, trong đó mức 5 được đánh giá là mức độ nguy hiểm). Ông Khairy nhấn mạnh, Malaysia đã kiểm soát được số ca nhiễm nghiêm trọng nhờ vào việc tiêm vaccine bao phủ nhanh chóng.
Trong nỗ lực sống chung an toàn với COVID-19, Australia thông báo chính thức mở cửa biên giới cho tất cả các du khách quốc tế, các loại thị thực kể từ ngày 21/2, với điều kiện những người này tiêm đủ ít nhất hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Những người chưa được tiêm vaccine phải nộp đơn xin miễn trừ y tế nếu muốn nhập cảnh vào Australia và sẽ phải cung cấp bằng chứng rằng họ không thể tiêm vì lý do y tế.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã cho phép trường học tự quyết định hình thức học, tiếp tục học trực tiếp hay chuyển sang học từ xa tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại trường. Tuy nhiên, mỗi trường học sẽ được khuyến cáo không chuyển sang học từ xa hoàn toàn theo kế hoạch mới nếu 3% số học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc 15% phải tự cách ly do nhiễm hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.
Các trường học cũng sẽ được yêu cầu phát hiện các ca nhiễm và tiến hành truy vết trong nhà trường bằng bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm PCR di động. Các trường cấp trên tiểu học sẽ được cung cấp các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh để xét nghiệm cho 20% số học sinh, trong khi tỷ lệ này dành cho các trường mẫu giáo và tiểu học là 30%. Các trường đại học cũng sẽ được khuyến cáo tiếp tục học trực tiếp trong học kỳ mới và chuẩn bị một kế hoạch dự phòng 2 giai đoạn để chuyển sang học từ xa trong trường hợp cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!