Công nhân thu hoạch quả tươi chứa dầu cọ để vận chuyển từ điểm thu gom đến các nhà máy ở Pekanbaru, tỉnh Riau, Indonesia. (Ảnh: Reuters)
Cụ thể, Malaysia và Indonesia, hai nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, đã nhất trí với Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và giải quyết những lo ngại về Quy định Chống phá rừng của EU (EUDR) và so sánh tham chiếu các quy định thông qua một Nhóm làm việc đặc biệt chung (JTF) do ba bên đồng chủ trì.
Mục đích chính của việc thành lập JTF là nhằm giải quyết những lo ngại của Indonesia và Malaysia liên quan đến việc thực hiện EUDR. Lực lượng đặc nhiệm có nhiệm vụ xác định các giải pháp và cách tiếp cận thực tế có liên quan đến việc áp dụng quy định này; truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng; cung cấp dữ liệu khoa học về ngày, giờ thu hoạch và chế biến sản phẩm cũng như tình trạng chặt phá cây cọ.
Theo tờ New Straits Times của Malaysia, JTF đã có cuộc họp đầu tiên tại Jakarta và ba bên đồng ý về những điều khoản tham chiếu liên quan đến quy định về chống phá rừng, bao gồm các vấn đề như truy xuất nguồn gốc từ nhà sản xuất đến nhà cung cấp cuối cùng, dữ liệu khoa học tình trạng phá rừng và suy thoái rừng, và bảo vệ dữ liệu.
Một đồn điền trồng dầu cọ ở Malaysia. (Ảnh: Anadolu Agency)
Tại sự kiện này, cơ quan đặc biệt chung cũng chia sẻ thông tin về việc triển khai các chương trình dầu cọ bền vững của Indonesia và Malaysia cũng như các công cụ truy xuất nguồn gốc hiện có. Cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11.
Trong một tuyên bố, JTF cho biết sẽ thiết lập một cuộc đối thoại và các quy trình làm việc có liên quan, do chính phủ làm chủ trì, qua đó xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau về việc thực hiện quy định và các khía cạnh cốt lõi của EUDR, bao gồm cả việc đánh giá các tiêu chuẩn. Tuyên bố cho biết, JTF là một nền tảng hoạt động như một cơ chế tham vấn nhằm hỗ trợ điều phối và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa Indonesia, Malaysia và Liên minh châu Âu. Nhóm làm việc sẽ kết thúc công việc của mình vào cuối năm 2024, và khả năng được gia hạn theo thỏa thuận chung.
Theo quy định của EU được đưa ra đầu năm nay, dầu cọ cũng như các hàng hóa khác sẽ bị cấm bán nếu liên quan tới hoạt động phá rừng. Các nhà nhập khẩu sẽ phải chứng minh sản phẩm của họ không gây phá hủy rừng.
Quy định này vấp phải sự phản đối kịch liệt của Indonesia và Malaysia. Hai nước này thậm chí đã cân nhắc không xuất khẩu dầu cọ sang EU.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!