Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã đưa ra thông tin trên.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Anwar cho biết Malaysia đang hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva về việc mở rộng số thành viên của BRICS và hiện đang chờ kết quả cuối cùng cũng như phản hồi từ Chính phủ Nam Phi.
Trước đó, vào ngày 17/6, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố Chính phủ nước này vừa thống nhất về việc xin gia nhập BRICS.
Ông Anwar Ibrahim khẳng định: "Chúng tôi đã làm rõ về chính sách của mình và đã đưa ra quyết định riêng, cũng như sẽ sớm bắt đầu quy trình (xin gia nhập) chính thức. Chúng tôi đang đợi kết quả chính thức và phản hồi từ phía Chính phủ Nam Phi".
Thủ tướng Malaysia khẳng định Kuala Lumpur cảm thấy "nhẹ nhõm" khi thấy thế giới đã không còn duy trì trật tự đơn cực. Thay vào đó, sự trỗi dậy của nhóm BRICS và Trung Quốc nói riêng đã mang đến "một chút hy vọng rằng trên thế giới vẫn còn sự kiểm soát và cân bằng".
Kể từ khi thành lập vào năm 2006, nhóm BRICS đã trải qua hai giai đoạn mở rộng thành viên. Năm 2011, Nam Phi gia nhập nhóm ban đầu gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Tháng 8/2023, BRICS mời UAE, Iran, Saudi Arabia, Ethiopia, Ai Cập và Argentina gia nhập nhóm. Tuy nhiên, Argentina đã từ chối gia nhập.
Tháng 1 vừa qua đánh dấu đợt mở rộng lớn của BRICS với 5 thành viên mới gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iran, Saudi Arabia, Ethiopia, Ai Cập và Argentina.
Bên cạnh Malaysia, cách đây ít ngày, Thái Lan cũng đã gửi ý định thư chính thức bày tỏ ý định gia nhập BRICS.
Trong những năm gần đây, BRICS đã tăng cường sự hiện diện trong lĩnh vực địa chính trị. Nhóm đã tìm cách sử dụng việc mở rộng và phi USD hóa để định hình lại nền tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, BRICS đã liên tục tìm cách xây dựng một thế giới đa cực với sự tham gia và cạnh tranh nhiều hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!