Hành lang trên sẽ cạnh tranh với kênh đào Panama, dự án này đang tạo kỳ vọng về lợi ích kinh tế to lớn.
Ở eo đất hẹp nhất đất nước, Chính phủ Mexico đang theo đuổi ý tưởng đã có từ thế kỷ 16 là xây dựng một đường tàu chạy ngang eo đất để vận chuyển hàng hóa giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Dự án này trước đây đã từng được Mexico theo đuổi gần một thế kỷ cho đến khi kênh đào Panama khai trương vào năm 1914.
Nay Chính phủ Mexico ráo riết khôi phục lại dự án nhằm thu lợi kinh tế trong bối cảnh kênh đào Panama đang bị thiếu nước, khiến lưu lượng vận tải bị giảm.
Ông Adiel Estrada, điều phối viên dự án, nói: "Hành lang liên đại dương tại eo đất Tehuantepec là nền tảng hậu cần cho việc vận chuyển hàng hóa từ Thái Bình Dương sang vịnh Mexico, đưa hàng hóa từ châu Á sang bằng đường sắt, không cần phải qua kênh đào Panama, góp phần cùng kênh đào Panama để đưa hàng hóa đến bờ Đông của nước Mỹ và trực tiếp tới châu Âu".
Kênh đào Panama đang bị thiếu nước, khiến lưu lượng vận tải bị giảm. (Ảnh: Getty)
Chính phủ Mexico đã thông báo khoản đầu tư 2,85 tỷ USD (hơn 69 nghìn tỷ đồng) cho dự án. Theo ban quản lý dự án, tuyến đường vận tải này sẽ tạo 800 việc làm trực tiếp và khoảng 2.400 việc làm gián tiếp.
Giới chức Mexico dự báo, tuyến đường tàu liên đại dương sẽ hoạt động đầy đủ vào năm 2033 với khoảng 33 triệu tấn container hàng hóa vận chuyển mỗi năm, trong khi kênh đào Panama chứng kiến 63,2 triệu tấn vận chuyển vào năm 2022. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mexico nhờ thế cũng được dự báo tăng thêm 3 đến 5 điểm phần trăm vào năm 2033.
Đi cùng với hành lang liên đại dương sẽ là những khu công nghiệp, Chính phủ Mexico kỳ vọng sẽ thu hút được khoảng 7 tỷ USD đầu tư vào đây.
Kênh đào Panama rộng 80 km, hiện có 3% tổng thương mại hàng hải toàn cầu được vận chuyển qua đây. Từ ngày 3/11, lượng tàu hàng qua đây đã phải giảm, và tới giữa tháng 2/2024 sẽ còn phải giảm tiếp do hạn hán gây thiếu nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!