Mở cửa - Giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Trung Quốc

Thái Bình (Phóng viên THVN tại Trung Quốc)-Thứ tư, ngày 04/01/2023 16:33 GMT+7

VTV.vn - Với số ca mắc mới gia tăng nhanh chóng, các chuyên gia dịch tễ học Trung Quốc nhận định, đây là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc chiến chống COVID-19.

Câu hỏi khó trả lời nhất hiện nay là bao nhiêu phần trăm dân số Trung Quốc đã mắc Covid? Cuối năm 2022, Trung Quốc đã bỏ công bố số liệu ca mắc hàng ngày, bỏ xét nghiệm đại trà. Những số liệu về số ca mắc có nơi 1 triệu rồi 2 triệu ca/ngày hay 400-500 ngàn ca/ngày, hay 50-70% dân số thành phố mắc COVID-19 trên báo. Tất cả đều là tính toán theo dịch tễ học của các nhà nghiên cứu khi Trung Quốc mở cửa.

Trung Quốc đã chuyển trọng tâm từ tầm soát số ca mắc sang tập trung điều trị, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền dễ tiến triển nặng và tử vong. Các bệnh viện bị quá tải nặng nề, phổ biến là bệnh nhân nặng cấp cứu chiếm 1/2 số ca cấp cứu, phần nhiều là người trên 60 tuổi. Ngành y tế Trung Quốc đang dồn sức để đảm bảo đủ lực lượng, đủ nguồn thuốc, đủ giường bệnh… Paxlovid - thuốc đặc trị COVID-19 của Mỹ được Trung Quốc phê duyệt cũng đã được trang bị cho nhiều bệnh viện lớn để điều trị cho bệnh nhân cao tuổi.

Các vùng nông thôn đã tăng cường các ghế thở oxy, ghế truyền dịch, tăng cường các đội y tế lưu động tiêm vaccine, khám sốt cho người dân, nâng cấp y tế cơ sở để giảm tải tuyến trên, đón làn sóng Covid dự báo tăng mạnh khi người dân bùng nổ về quê đón Tết. Chỉ riêng ngành đường sắt dự báo có hơn 360 triệu lượt chuyến đi.

Còn hiện tại đa phần người dân tự điều trị tại nhà bởi bệnh nhẹ mà đến bệnh viện cũng không có chỗ nằm. Hình ảnh song song tồn tại ở Trung Quốc sau ngày mở cửa là những nơi ăn uống, vui chơi đông nghẹt và các bệnh viện cũng đông nghẹt bệnh nhân COVID-19.

Mở cửa - Giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Trung Quốc - Ảnh 1.

WHO cảnh báo về dịch COVID-19 ở Trung Quốc

Trước tình hình dịch COVID-19 tăng mạnh ở Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi giới chức y tế Trung Quốc thường xuyên chia sẻ thông tin cụ thể và theo thời gian thực về tình hình dịch COVID-19 tại nước này. WHO cũng thúc giục các nhà chức trách Trung Quốc đẩy nhanh việc tiêm chủng cho những người cao tuổi và những người có nguy cơ cao.

Trong cuộc họp trực tuyến với các quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia và Cục Quản lý phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, WHO đã thúc giục các quan chức Trung Quốc chia sẻ thêm dữ liệu về trình tự gen của virus cũng như dữ liệu về số ca nhập viện, tử vong và dữ liệu tiêm chủng.

WHO cho biết, việc theo dõi và công bố dữ liệu kịp thời là rất quan trọng, không chỉ giúp Trung Quốc mà còn giúp cộng đồng quốc tế xây dựng các đánh giá rủi ro chính xác để từ đó đưa ra những phản ứng hiệu quả.

Trước đó, WHO đã bày tỏ quan ngại về tỏ lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 nặng ở Trung Quốc, đồng thời cảnh báo tỷ lệ tiêm vaccine thấp có thể khiến nhiều người già yếu bị nhiễm bệnh.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO: "WHO rất lo ngại về tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc khi ngày càng có nhiều báo cáo về các ca bệnh nghiêm trọng. Để đánh giá toàn diện về tình hình tại chỗ, WHO cần thông tin chi tiết hơn về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, số ca nhập viện và số ca cần phải điều trị trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt. WHO đang hỗ trợ Trung Quốc tập trung nỗ lực tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao nhất trên cả nước".

Mở cửa - Giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Một số nhà khoa học còn cảnh báo sự lây lan mạnh COVID-19 ở Trung Quốc có thể dẫn tới sự xuất hiện các biến thể mới, khiến tình hình phức tạp thêm, nhất là khi người Trung Quốc đi du lịch ra nước ngoài.

Hiện tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc là trên 90%, nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm người trên 60 tuổi tại Trung Quốc thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. WHO cảnh báo tỷ lệ tiêm chủng chậm có thể ảnh hưởng đến nhóm người dễ bị tổn thương.

Cho tới nay, Trung Quốc chỉ sử dụng vaccine COVID-19 nội địa, loại vaccine không dựa trên công nghệ mRNA của phương Tây. Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị cung cấp vaccine COVID-19 miễn phí để giúp Trung Quốc ngăn chặn đợt bùng phát dịch hiện nay. Tuy nhiên, Trung Quốc cho biết nước này chưa chấp nhận đề nghị cung cấp vaccine COVID-19 từ EU do vẫn đủ nguồn cung.

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm qua cũng đã nhất trí về cách tiếp cận phối hợp nhằm ứng phó với diễn biến mới của dịch COVID-19. Hầu hết các quốc gia thành viên EU ủng hộ yêu cầu du khách đến từ Trung Quốc đại lục phải xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã chuẩn bị đề xuất một số biện pháp như giám sát nước thải đối với máy bay tới từ Trung Quốc để truy vết COVID-19, tăng cường giám sát, phân tích trình tự gen, đẩy mạnh công tác xét nghiệm và tiêm phòng tại EU. Các quốc gia khác như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Australia cũng đã quyết định tăng cường kiểm soát biên giới đối với du khách đến từ Trung Quốc.

Số ca mắc COVID-19 mới ở Trung Quốc tiếp tục tăng Số ca mắc COVID-19 mới ở Trung Quốc tiếp tục tăng

VTV.vn - Ngày 15/11, số ca nhiễm COVID-19 mới ở Trung Quốc đã tiếp tục tăng, bao gồm cả ở thủ đô Bắc Kinh, ngay cả khi nhiều thành phố thu hẹp quy mô xét nghiệm định kỳ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước