Vaccine COVID-19 do Moderna Inc. sản xuất được sử dụng cho người dân thành phố Sendai (Nhật Bản) tháng 5/2021 (Ảnh: Mainichi)
Thông tin trên được Chủ tịch công ty Kazumasa Nagayama nói với Mainichi Shimbun trong một cuộc phỏng vấn.
Nếu các cuộc thử nghiệm diễn ra suôn sẻ, vaccine này có thể có mặt ở Nhật Bản trong vài năm tới. Ông Nagayama cũng tiết lộ rằng Moderna Nhật Bản - công ty con của "gã khổng lồ" dược phẩm Moderna Inc. của Mỹ - đang nỗ lực thành lập một cơ sở sản xuất trong nước để tăng cường hệ thống cung cấp vaccine của Nhật Bản.
Về loại vaccine tổng hợp ngừa COVID-19 và cúm, tháng 10/2023, Moderna công bố kết quả các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu và giữa đã xác nhận tính an toàn và hiệu quả của vaccine. Sau đó, Moderna Nhật Bản có kế hoạch tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng tại Nhật Bản vào mùa Đông năm nay, với sự tham gia của vài trăm tình nguyện viên. Sau khi có kết quả, công ty dự định nộp đơn xin phê duyệt lên Chính phủ Nhật Bản.
Ông Nagayama cho biết: "Khả năng ngừa nhiều loại virus chỉ bằng 1 mũi tiêm là một lợi thế đáng kể. Chúng tôi mong muốn những người cần tiêm chủng có thể tiếp cận dễ dàng nhiều lại vaccine, kể cả về mặt chi phí".
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã xác định việc xây dựng một cơ sở sản xuất vaccine trong nước là một sáng kiến quốc gia vào tháng 9/2023, và địa điểm được chọn là tỉnh Kanagawa. Các cuộc thảo luận chi tiết đang được tiến hành với kế hoạch sản xuất vaccine cho các bệnh về đường hô hấp, trong đó có cả COVID-19.
Chủ tịch Moderna Nhật Bản nhấn mạnh: "Nguy cơ xảy ra đại dịch mới luôn hiện hữu, không chỉ từ những loại virus đã biết". Ông cũng nói thêm rằng việc thành lập các cơ sở sản xuất vaccine sẽ cung cấp cho Nhật Bản một hệ thống để tạo ra nguồn cung vaccine trong nước.
Ngoài ra, Moderna đang hợp tác với Merck & Co. ở Mỹ phát triển một vaccine sử dụng công nghệ mRNA để ngăn ngừa ung thư tái phát. Trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn giữa, những bệnh nhân mắc một loại ung thư da gọi là ung thư hắc tố ác tính được tiêm vaccine ngoài các phương pháp điều trị bằng thuốc hiện có. Kết quả cho thấy những người này có nguy cơ tái phát hoặc tử vong thấp hơn 44% so với những người chỉ được điều trị thông thường.
Các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng cũng đang được tiến hành tại Nhật Bản. Ông Nagayama đánh giá: "Điểm mạnh của chúng tôi là nhanh chóng tạo ra và sử dụng mRNA được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ giúp giảm bớt lo lắng của bệnh nhân về việc ung thư tái phát".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!