Một người mắc COVID-19 có thể mang tới 10 tỷ bản sao của virus, tạo ra hàng tỷ đột biến/ngày

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 31/08/2021 20:13 GMT+7

VTV.vn - Vẫn còn đó những tâm lý hoài nghi, bài trừ vaccine COVID-19. Tại Mỹ, có đến 97% ca nhập viện là những người chưa tiêm vaccine, nhiều người đã tiếc nuối và có cả sự ân hận.

Các nhà khoa học cảnh báo, thế giới đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới của đại dịch COVID-19. Liên tiếp những làn sóng dịch đang tạo ra "mảnh đất màu mỡ" cho sự phát triển của các biến thể mới dễ lây lan. Những số liệu thống kê trên toàn thế giới về số ca tử vong và hồi phục là minh chứng cho hiệu quả của chương trình tiêm chủng đang được triển khai rộng khắp.

Đối với những người chưa tiêm vaccine COVID-19, họ phải đối mặt với nỗi ân hận, thậm chí phải trả bằng mạng sống của mình. Trong làn sóng dịch mới do biến thể Delta, một điều rất đáng lo ngại là sự gia tăng các ca mắc ở trẻ em. Riêng tại Mỹ, trong tuần vừa qua, nước này có thêm hơn 180.000 ca mắc COVID-19 là trẻ em, tăng gấp 4 lần so với tuần trước đó. Với những diễn biến dịch hiện nay, các chuyên gia dịch tễ học gọi biến thể Delta và các biến thể khác là "đại dịch trong đại dịch".

Các bệnh nhân COVID-19 ngày càng có độ tuổi thấp hơn, ngay cả trẻ nhỏ cũng bị nhiễm bệnh. Đây chỉ là một trong rất nhiều thay đổi liên quan đến sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 so với những gì thế giới biết về nó thời kỳ đầu đại dịch.

Hầu hết các chuyên gia nghiên cứu kỹ về đột biến COVID-19 trước đây đều bác bỏ ý kiến cho rằng, biến thể sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay, sự hoành hành của biến thể Delta đã khiến các nhà khoa học phải xem lại hiểu biết của mình về tốc độ biến đổi của virus thành những chủng mới có tốc độ tàn phá khủng khiếp hơn.

Bà Sharone Green, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Trường Y Đại học Massachusetts, Mỹ, nói: "Tất cả virus corona đều đột biến và chúng tôi hiểu rõ điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ các đột biến này lại có thể ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm cũng như xâm chiếm hệ miễn dịch ở mức độ đáng sợ như vậy".

So với các bệnh dịch khác, virus SARS-CoV-2 không đột biến quá nhanh. Virus này không có nhiều chất liệu di truyền khi chỉ có khoảng 15 geen, so với vi khuẩn E.Coli có tới 3.000 geen. Tuy nhiên, COVID-19 có cơ chế kiểm tra di truyền, khiến nó "thành thạo" trong việc tránh những lỗi sai khi nhân lên so với hầu hết các virus khác.

Một người mắc COVID-19 có thể mang tới 10 tỷ bản sao của virus, tạo ra hàng tỷ đột biến/ngày - Ảnh 1.

Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới tăng mỗi ngày. (Ảnh: Deutsche Welle)

Một người mắc COVID-19 có thể mang tới 10 tỷ bản sao của virus, đủ để tạo ra hàng tỷ đột biến mỗi ngày. Và trong một lần nào đó, có lẽ là sau hàng tỷ tỷ lần, một đột biến ngẫu nhiên khiến cho virus trở nên nguy hiểm hơn, cùng với một môi trường thuận lợi đã tạo điều kiện để các biến thể nhân lên và lây lan mạnh trong cộng đồng.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất được Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc công bố, với biến thể Delta, những người nhiễm có lượng virus trong cơ thể cao gấp 300 lần so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2.

Lượng virus cao hơn đồng nghĩa virus có thể lây lan nhanh hơn. Tốc độ lây lan của biến thể Delta cao hơn 1,6 lần so với biến thể Alpha và gấp 2 lần so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2.

Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới tăng mỗi ngày, hiện lên tới hơn 0,5 triệu người, tương đương tổng số ca nhiễm toàn cầu trong 3 tháng đầu đại dịch. Một số nước vốn là điểm sáng về phòng chống dịch trên thế giới như Australia hay New Zealand nay liên tục ghi nhận số ca mắc mới tăng mạnh. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi, một số nước đã phải điều chỉnh chiến lược đối phó với COVID-19.

Chính phủ Australia giờ cân nhắc chuyển từ chiến lược "không COVID" mà nước này theo đuổi từ đầu dịch đến nay sang chiến lược hạn chế số ca tử vong và nhập viện. Tương tự, nước láng giềng New Zealand, từng phòng chống dịch COVID-19 thành công trong một thời gian dài, giờ đây đang thừa nhận, chiến lược "không COVID" có thể không còn khả thi nữa, sau khi chuỗi 6 tháng không có ca cộng đồng tại nước này chấm dứt. Sự xuất hiện của biến thể Delta đã và đang đảo ngược hầu hết thành quả chống dịch của các nước.

Việt Nam mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới, thậm chí có ngày vượt trên 14.000 bệnh nhân. Sự thay đổi theo hướng lây lan ngày càng nhanh, mức độ ngày càng nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 đòi hỏi sự điều chỉnh biện pháp chống dịch phù hợp. Sự điều chỉnh không chỉ tùy theo các chủng virus mà còn linh hoạt theo thực tế từng địa phương.

Thế giới có trên 217,1 triệu người mắc COVID-19, Nam Phi phát hiện biến thể mới có tới 59 đột biến Thế giới có trên 217,1 triệu người mắc COVID-19, Nam Phi phát hiện biến thể mới có tới 59 đột biến Người nhiễm biến thể Delta có thể lây lan virus 2 ngày trước khi có triệu chứng Người nhiễm biến thể Delta có thể lây lan virus 2 ngày trước khi có triệu chứng Đại dịch bùng phát trở lại, 'thổi bùng' cuộc đua phát triển vaccine đặc trị biến thể Đại dịch bùng phát trở lại, "thổi bùng" cuộc đua phát triển vaccine đặc trị biến thể

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước