Giá xăng dầu tại châu Âu đã tăng hơn 30%. Ảnh: Euronews
Thế giới đã bước sang năm mới 2023, sau khi trải qua 12 tháng đầy khó khăn, với tác động nghiêm trọng nhất là từ cuộc xung đột tại Ukraine. Cuộc chiến đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy lạm phát gia tăng, giá cả nhiên liệu trở thành nỗi lo bao trùm.
Những chỉ số kinh tế bất thường trong thời đại dịch vẫn chưa là gì so với tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine. Kinh tế các nước Liên minh châu Âu chưa rơi vào suy thoái, nhưng cũng không xa suy thoái là bao. Lạm phát vượt quá 10%, lần đầu tiên kể từ khi có đồng euro cách đây 22 năm. Các biện pháp trợ cấp năng lượng lên tới 600 tỷ euro trong năm nay đã đẩy thâm hụt ngân sách của khối các nước sử dụng đồng tiền chung euro lên tới 3,4%.
Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Liên minh châu Âu hiện đang gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng năng lượng, chúng ta phải hỗ trợ các quốc gia thành viên có thể chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mà chúng ta tự sản xuất được và có giá cả phải chăng".
Tuyết phủ trắng ở Hasselfelde, Đức đầu tháng này. Ảnh: Zuma Press
Giá năng lượng quá cao đã tác động mạnh tới sản xuất công nghiệp, và ở một mức độ thấp hơn là sản xuất nông nghiệp. Những ngành thâm dụng khí đốt và được cho là không thiết yếu đã phải ngưng sản xuất, trước tiên là những nhà kính trồng rau, tiếp đến là các nhà máy thủy tinh, sành sứ. Một số nhà máy luyện kim, hóa chất và ciment đã phải thu hẹp sản xuất, tuy chưa tới mức ngưng hoạt động. Hai từ được lãnh đạo châu Âu nhắc tới nhiều trong năm 2022, là Nguy cơ và Tiết giảm. Muốn nguy cơ không thành hiện thực, thì phải tiết giảm.
Ông Paolo Gentiloni - Cao ủy châu Âu về Kinh tế: "Nền kinh tế Liên minh châu Âu đã đảo ngược sau nửa đầu năm tăng trưởng mạnh mẽ. Kinh tế đã mất đà trong quý ba và dữ liệu khảo sát gần đây cho thấy có thể suy thoái vào mùa đông. Triển vọng cho năm tới đã yếu đi đáng kể và chúng tôi dự báo nền kinh tế chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm 2023".
Khủng hoảng giá năng lượng tác động tới cuộc sống của người dân. Cho tới lúc này, chưa khi nào các hộ gia đình châu Âu bị hạn chế sử dụng điện và gas, nhưng giá điện, giá gas đến hộ gia đình tăng gần gấp đôi trong vòng một năm. Xăng dầu cũng chưa khi nào khan hiếm, tuy có lúc giá xăng bán lẻ vọt cao trước khi trở lại bình thường vào thời điểm cuối năm. Ấn tượng của cả năm là lạm phát, lạm phát vượt tốc độ tăng lương, xói mòn sức mua của các hộ gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!