Một phụ nữ bần thần chứng kiến sự tàn phá của trận lũ ở Schuld, Đức, ngày 15/7 - Ảnh: Reuters
Hơn 1.000 người mất tích và số nhà bị phá hủy ở các vùng bị lũ lụt ở miền Tây nước Đức và Bỉ đang ngày một tăng. Nước vẫn dâng cao và số người chết đã vào khoảng 117 người, tính đến chiều 16/7 theo giờ địa phương.
Nước lũ quét qua các thị trấn và làng mạc ở các bang miền Tây nước Đức, Bỉ cũng như Hà Lan, gần như xóa xổ mọi thứ trên đường nó đi qua.
Chuyên gia Thomas Endrulat của Cơ quan Thời tiết Liên bang cho biết, lượng mưa cực lớn là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu. "Biến đổi khí hậu là một trong số các yếu tố gây nên thảm họa này. Các sự kiện thời tiết như vậy xảy ra theo thời gian. Nhưng hiện nay, với những kiểu thời tiết điển hình và sự nóng lên toàn cầu, các khối không khí sẽ chứa nhiều nước hơn".
Nước ngập khu đô thị Valkenburg của Hà Lan ngày 15/7 - Ảnh: Reuters
Hàng ngàn người ở khu vực miền Nam Hà Lan cũng phải rời bỏ nhà cửa ở khi nước dâng tràn ngập các thành phố và phá vỡ một con đê. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tuyên bố thảm họa quốc gia ở tỉnh Limburg, miền Nam nước này - nơi cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt như Bỉ và Đức.
Ông Thomas Endrulat - Chuyên gia khí hậu, thành phố Potsdam, Đức cũng cho biết: "Dù dự báo mưa bão đã được đưa ra, nhưng việc nước dâng cao bao nhiêu, có khả năng gây ngập những khu vực nào còn phụ thuộc vào độ bão hòa mặt đất, tình trạng của các đập và hồ chứa".
Lo lắng của ông Endrulat là có cơ sở khi hệ thống thoát nước không thể hấp thụ nước nhanh chóng hoặc các yếu tố như phát triển đô thị ngăn thoát nước mưa, lượng nước mưa dồn ứ có thể trở thành lũ quét và gây ra thiệt hại đáng kể.
Nhiều chuyên gia môi trường khác cũng cho rằng, tình trạng thời tiết khắc nghiệt có thể xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai và với cường độ mạnh hơn, dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đang tác động đáng kể đến cuộc sống người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!