Một phân tích khoa học mới vừa công bố kết luận trên về đợt nắng nóng gây chết người này.
Biến đổi khí hậu đã góp 2°C vào mức nhiệt ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của nước Mỹ và miền Tây Canada, dẫn đến những mức nóng kỷ lục.
Bà Sarah Kew, nhà nghiên cứu khí hậu, Viện Khí tượng học hoàng gia Hà Lan, cho biết: "Sự kiện cực đoan này gần như không thể có trong quá khứ, nhưng nay chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều đợt nắng nóng mạnh và thường xuyên hơn trong tương lai, khi tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục diễn ra".
Nắng nóng kỷ lục ở California, Mỹ. (Ảnh: AP)
Nhóm 27 nhà khoa học quốc tế đã tính toán rằng, biến đổi khí hậu đã làm tăng khả năng xảy ra tình trạng nóng cực đoan lên ít nhất 150 lần. Ví dụ như mức nhiệt tiệm cận 50°C mà vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của nước Mỹ và miền Tây Canada trải qua vào cuối tháng 6 sẽ xảy ra cứ mỗi 5 đến 10 năm nếu thế giới nóng thêm 0,8°C.
Nhóm các nhà khoa học này đã nạp dữ liệu quan sát được trong đợt nắng nóng ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của nước Mỹ và miền Tây Canada vào 21 mô hình trên máy tính và chạy vô số các mô phỏng. Sau đó, họ làm một mô phỏng thế giới không có những khí gây hiệu ứng nhà kính do các hoạt động đốt dầu khí, than gây ra. Sự chệnh lệch giữa hai mô hình sẽ cho thấy vai trò của biến đổi khí hậu đối với tình trạng tăng nhiệt độ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!