Trẻ em tránh nóng trong công viên tại Washington D.C., Mỹ, ngày 21/7/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 5 năm tới dự báo sẽ tăng ở mức ít nhất từ 1,2-1,3 độ C so với các mức của thời kỳ tiền công nghiệp, gần chạm ngưỡng giới hạn đề ra trong thỏa thuận khí hậu toàn cầu.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Baddour cho biết: "Về cơ bản, chúng ta đang trên đà chạm mức tăng ít nhất 1,2-1,3 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp trong vòng 5 năm tới". Ông kêu gọi thế giới thực thi những hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.
Cảnh báo của chuyên gia trên được đưa ra sau khi WMO ngày 22/9 công bố báo cáo cho thấy nhiệt độ trung bình trên toàn cầu giai đoạn 2015- 2019 có xu hướng cao kỷ lục so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đây, với nền nhiệt cao hơn 1,1 độ C so với giai đoạn 1850-1900 thời kỳ tiền công nghiệp và cao hơn 0,2 độ C so với giai đoạn 2011-2015.
Dự kiến trong tuần này, đại diện chính phủ các nước sẽ tới New York (Mỹ), tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc để xây dựng các cam kết đưa ra trong Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu. Theo thỏa thuận này, các nước trên thế giới đã đề ra những mục tiêu nhằm làm giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất này của WMO cảnh báo rằng thậm chí toàn bộ các nước trên thế giới đạt được mục tiêu đặt ra thì nhiệt độ của Trái đất sẽ vẫn tăng từ 2,9-3,4 độ C. Do vậy, để duy trì nhiệt độ Trái Đất ở mức 2 độ C, các nước cần tăng gấp 3 các mục tiêu về cắt giảm lượng khí thải hiện nay và tăng gấp 5 lần các mục tiêu để duy trì nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C. Báo cáo khẳng định, về mặt kỹ thuật, những tham vọng này là có thể thực hiện được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!