Đây là một chủ đề lớn mà LHQ khẳng định đang tạo ra cuộc khủng hoảng toàn cầu. Có thể nói, chưa bao giờ chủ đề biến đổi khí hậu lại thu hút sự quan tâm đặc biệt và trên quy mô lớn như lúc này. Hội nghị Hành động khí hậu của LHQ diễn ra trong bối cảnh 4 triệu học sinh, sinh viên tại 5.000 thành phố tại 159 quốc gia trên toàn thế giới vừa đồng loạt bãi khóa đòi đảm bảo tương lai an toàn cho chính mình và nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và tổ chức thế giới.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói: "Thế giới đang thua trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong khi các mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân khiến Trái đất ấm lên vẫn nằm ngoài tầm với. Tôi yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới đừng mang đến những bài diễn văn, hãy mang đến kế hoạch cụ thể, thực tế và có thể nhân rộng về cách cắt giảm khí thải nhà kính".
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh với tốc độ phát thải hiện tại, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng ít nhất 3oC vào cuối thế kỷ này. Hiện tượng thời tiết cực đoan bất thường đã hoành hành trên khắp thế giới, điển hình như đợt nắng nóng kỷ lục tại châu Âu trong mùa Hè vừa qua với nhiệt độ lên tới 46oC, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Thậm chí, các nhà khoa học Pháp còn cảnh báo, nhiệt độ Trái đất có thể tăng thêm khoảng 6 - 7oC vào năm 2100 nếu các nước không cắt giảm khí thải nhà kính.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt Hành động khí hậu LHQ, có một quyết định bất thường là chỉ cho phép các quốc gia đã công bố mục tiêu cắt giảm đáng kể phát thải carbon hoặc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chống biến đổi khí hậu mới được quyền phát biểu. Mỹ, Australia, Nhật Bản, Nam Phi, Saudi Arabia, Brazil bị tước quyền phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ do vẫn còn sử dụng nguyên liệu than đá hoặc không đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Mặc dù nằm trong các nước phát thải carbon và có nhà máy nhiệt điện than đá nhiều nhất thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn được quyền phát biểu để kêu gọi các nước phát triển chi thêm hàng nghìn tỷ USD cho chống biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, các nước phát triển như: Anh, Pháp được quyền phát biểu trong khoảng 3 phút/nước với những cam kết đạt mức trung tính về phát thải carbon, nghĩa là có biện pháp làm giảm lượng phát thải bằng đúng lượng phát thải tạo ra vào năm 2050, tăng đáng kể mục tiêu cắt giảm phát thải và cam kết có ý nghĩa với Quỹ Khí hậu xanh hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thực hiện biện pháp chống biến đổi khí hậu. Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt của LHQ, một số quốc gia cho biết sẽ gia tăng các cam kết đóng góp do quốc gia tự quyết định để giảm lượng khí thải nhà kính hoặc tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với khí hậu.
Việc lãnh đạo của khoảng 50 quốc gia được quyền phát biểu tại hội nghị nói lên các mục tiêu của nước mình được nhìn nhận như biện pháp nhằm thúc đẩy các nước khác gia tăng cam kết giảm khí thải hơn cũng như đưa ra những đề xuất đóng góp do quốc gia tự quyết định để giảm lượng khí thải tích cực hơn vào năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!