Mỹ gia hạn miễn trừ trừng phạt đối với các khoản thanh toán năng lượng cho Nga

Ban Thời sự - TTXVN-Thứ tư, ngày 15/06/2022 11:52 GMT+7

Cơ sở trữ dầu thô tại giếng dầu ở Cushing, bang Oklahoma, Mỹ (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Bộ Tài chính Mỹ ngày 14/6 cho biết, Washington sẽ tiếp tục cho phép thanh toán tiền mua các sản phẩm năng lượng của Nga cho đến hết ngày 5/12 tới.

Qua đó, các nước châu Âu có thời gian chuẩn bị cho một lệnh cấm vận dầu mỏ gần như hoàn toàn đối với Moscow liên quan vấn đề Ukraine.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh quyết định miễn trừ các lệnh trừng phạt tài chính nghiêm ngặt của Mỹ, theo đó loại Nga ra khỏi hầu hết hệ thống tài chính toàn cầu, sẽ hết hạn vào ngày 24/6 tới.

Một người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, việc gia hạn miễn trừ "sẽ mang đến một quá trình chuyển đổi có trật tự để giúp các đối tác (của Mỹ) giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga khi tìm cách hạn chế các nguồn thu nhập của Điện Kremlin".

Cuối tháng 5 vừa qua, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về gói biện pháp trừng phạt thứ 6 áp đặt với Nga, theo đó chặn tới 90% xuất khẩu dầu của Nga vào khối này. Đây là gói biện pháp cứng rắn nhất của EU đối với Nga kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine hôm 24/2 và dự kiến sẽ tác động mạnh tới nguồn thu tài chính của Moscow.

Mỹ cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga nhưng trên thực tế, các quốc gia châu Âu vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào mặt hàng này. Lệnh cấm vận mới của EU áp dụng với dầu mỏ Nga vận chuyển qua đường biển nhưng không áp dụng với dầu thô chuyển qua các đường ống dẫn do một số nước trong EU như Hungary, Slovakia và CH Czech khó có thể tìm ngay được các nguồn cung thay thế năng lượng từ Nga.

Hồi đầu tháng này, EU đã đưa ra gói trừng phạt thứ 6, trong đó đề nghị các nước châu Âu cấm nhập khẩu dầu Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm dầu trong vòng 8 tháng. Ngoại lệ được đưa ra đối với dầu vận chuyển qua đường ống "Hữu nghị."

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 14/6 cho biết, EU muốn tăng cường hợp tác năng lượng với Israel. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Năng lượng Israel cho rằng, kể từ tháng 3, các cuộc đàm phán về thành lập một cơ cấu khung thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu khí đốt của Israel tới châu Âu, qua Ai Cập đã diễn ra.

Israel xuất khẩu khí đốt sang Ai Cập, hóa lỏng một phần trong số khí đốt này và sau đó vận chuyển sang châu Âu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước