Vụ cháy Cameron Peak xảy ra vào năm 2020 từng thiêu rụi hơn 80.000 ha rừng tại bang Colorado. Và giờ đây, nhìn từ trên không chỉ còn lại cảnh tượng hoang tàn với vùng đất cháy đen. Các chuyên gia lâm nghiệp từ Viện Phục hồi rừng Colorado đang cố gắng đưa cảnh quan xanh trở lại bằng cách trồng lại các cây non, tuy nhiên nỗ lực không thể đẩy nhanh khi thiếu nguồn nhân lực trồng rừng cũng như cây giống từ các vườn ươm.
Chị Camille Stevens Rumann - Quyền giám đốc Viện Phục hồi Rừng Colorado, Mỹ - nói: "Sau những đám cháy lớn này, có một số nơi đang tái sinh tốt khi mà chúng ta thấy rất nhiều cây con mọc trở lại và cũng có những nơi chúng ta sẽ không thấy sự tái sinh đang diễn ra".
Thách thức với các nhà khoa học của Mỹ để khôi phục rừng hiệu quả còn là đối mặt với tự nhiên, khi phải tìm ra những giống cây mới phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Đối với Mỹ, khôi phục rừng không chỉ là khôi phục cảnh quan, mà còn là đảm bảo hệ sinh thái vốn cung cấp phần lớn nước sử dụng.
Chị Camille Stevens Rumann cho biết thêm: "Hơn 70% nước của khu vực miền Tây của Mỹ đến từ các hệ sinh thái rừng và núi. Để nguồn nước sạch đó đến như ý muốn thì chúng ta cần phải có rừng chứ không chỉ là những cánh đồng cỏ".
Biến đổi khí hậu có thể làm cho nhiều khu rừng không thể tái sinh nhiều thập kỷ sau các vụ cháy. Theo các nhà nghiên cứu rừng của Mỹ, để quá trình khôi phục hiệu quả, phải hoàn thành các đánh giá về môi trường và thổ nhưỡng đối với vùng đất bị cháy.
Ông Jason Sieg - Giám sát viên thuộc Cơ quan quản lý rừng, Bộ Nông Nghiệp Mỹ - chia sẻ: "Ở thời điểm hiện tại, với tất cả những thách thức mà chúng tôi đang phải đối mặt, chúng tôi cởi mở với bất kỳ giải pháp độc đáo và cơ hội sáng tạo nào mà nghiên cứu và dữ liệu có thể cho chúng tôi biết".
Những khu rừng bị tàn phá một ngày nào đó có thể phục hồi, nhưng sẽ cần thời gian và sự sáng tạo của con người để khôi phục chúng trở lại như trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!