Vụ thử diễn ra chỉ hơn hai tuần sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Lầu Năm Góc cho biết, vụ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất diễn ra trên đảo San Nicolas, bang California, Mỹ và tên lửa đã đánh trúng mục tiêu sau khi bay xa hơn 500km.
Tháng 2/2019, Mỹ đã tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước INF sau khi cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận và phát triển vũ khí bị cấm theo hiệp ước này, điều mà Nga luôn bác bỏ. Hiệp ước chính thức hết hiệu lực vào ngày 1/8. Nếu hiệp ước còn hiệu lực, Mỹ sẽ không thể thử tên lửa mới theo khuôn khổ hiệp ước.
Việc thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất vốn bị cấm trước đây được cho là phát súng đầu tiên cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, khiến cả thế giới lo ngại. Điều mà quốc tế đang quan tâm hiện giờ là phản ứng từ phía Nga sau động thái thử tên lửa của Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa đưa ra bình luận sau vụ phóng của Mỹ, nhưng nhà lãnh đạo Nga mới đây cảnh báo, nước này sẽ buộc phải bắt đầu phát triển tên lửa mặt đất tầm ngắn và tầm trung nếu Mỹ bắt đầu thực hiện điều này. Nhiều nghị sỹ Nga cũng lên tiếng chỉ trích vụ phóng, cho biết Nga sẽ sớm đưa ra các biện pháp phản ứng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moscow lấy làm tiếc về các vụ thử nghiệm của Mỹ đối với các tên lửa hành trình bị cấm theo Hiệp ước INF. Theo nhà ngoại giao này, động thái của Mỹ là bằng chứng cho thấy Washington từ lâu đã chuẩn bị để phá vỡ thỏa thuận.
Trước các bước đi của Mỹ, Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng cảnh báo. Với việc Hiệp ước INF bị xóa bỏ, thế giới hiện dựa vào một thỏa thuận duy nhất là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới theo kiểu chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, Hiệp ước START mới cũng sẽ hết hiệu lực vào năm 2021 và dường như Nga và Mỹ không mấy thiện chí đàm phán gia hạn văn kiện này.
Việc INF hết hiệu lực, START mới có nguy cơ không được gia hạn không chỉ xóa bỏ những ràng buộc để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới mà lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, hai cường quốc hạt nhân là Nga và Mỹ không có khả năng để kiểm soát và xác minh vũ khí lẫn nhau. Trong bối cảnh căng thẳng nghiêm trọng giữa Nga và phương Tây hiện nay, bất kỳ bước đi đầu tiên khiêu khích nào cũng sẽ có rủi ro, tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Một thế giới không được đặt trong các cam kết về kiểm soát vũ khí hạt nhân đã bắt đầu. Điều đó thực sự tạo ra một khoảng trống, đặt thế giới trước viễn cảnh tiêu cực của một cuộc chạy đua vũ trang không kiểm soát. Rõ ràng, cả Nga và Mỹ đều chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu và bất kỳ bước đi thiếu cân nhắc nào cũng có thể gây hậu quả khó lường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!