Mỹ tiếp tục xả kho xăng dầu chiến lược, OPEC+ bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng

Thái Thanh - Anh Phương-Thứ năm, ngày 20/10/2022 07:13 GMT+7

VTV.vn - Đêm qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Mỹ tiếp tục thực hiện việc xả kho xăng dầu chiến lược.

Cụ thể, Bộ Năng lượng Mỹ sẽ đưa thêm 15 triệu thùng dầu từ kho dự trữ và sẽ đến tay người tiêu dùng từ đầu tháng 11. Số này cộng với 180 triệu thùng đã được xả từ mùa Xuân được Nhà Trắng đánh giá là đã góp phần làm cho giá xăng trung bình ở Mỹ có giá 3,39 USD cho mỗi gallon (tương đương 3,8 lít).

Tổng thống Mỹ cũng yêu cầu tiếp tục mua thêm dầu thô dự trữ, khi giá thế giới dao động quanh mức 67 đến 72 USD một thùng. Các công ty lọc dầu Mỹ thì được cho rằng đang có lợi nhuận kỷ lục, giảm giá bán chưa tương xứng với xu hướng thị trường và những lợi nhuận có được cần được tiếp tục mở rộng công suất, bổ sung nguồn cung.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Các chuyên gia độc lập cho biết, việc cấp xăng dầu từ nguồn dự trữ quốc gia trong thời gian qua đã có vai trò lớn, tạo tác dụng tích cực trong việc giảm giá xăng dầu. Vì vậy chúng tôi tiếp tục thực hiện biện pháp này trong khi vẫn đảm bảo đủ nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia cho các trường hợp khẩn cấp".

Mỹ tiếp tục xả kho xăng dầu chiến lược, OPEC+ bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng - Ảnh 1.

Kiểm soát giá cả, trong đó có giá xăng dầu là ưu tiên hàng đầu trong chính sách kinh tế hiện nay của Tổng thống Mỹ. Nhiều người Mỹ đang than phiền về việc thực thi thiếu hiệu quả các biện pháp kiểm soát giá cả hiện nay, và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đảng Dân chủ về kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tới.

OPEC+ bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng dầu

Quyết định giải phóng 15 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ được kỳ vọng sẽ xoa dịu phần nào "cơn khát" trên thị trường. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là những giải pháp mang tính tình thế.

Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), vẫn khẳng định việc cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày của cơ chế này là phù hợp với bối cảnh hiện nay trên thị trường. Vậy từ góc nhìn của OPEC+, thì cơ chế này đang muốn đưa thị trường dầu về đâu?

Mỹ tiếp tục xả kho xăng dầu chiến lược, OPEC+ bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng - Ảnh 2.

Trong tuyên bố mới nhất thì một đại diện của OPEC+, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã lý giải cặn kẽ hơn cơ sở gì khiến họ cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày vừa qua. Theo Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất thì chỉ có cắt giảm bớt sản lượng để nâng giá dầu lên mới đủ tạo ra sức hút cho các nguồn đầu tư mới vào những cơ sở hạ tầng khai thác dầu trên thế giới.

Nguồn cung dầu thời gian qua hạn hẹp khi nhiều quốc gia xuất khẩu dầu trên thế giới không đạt được sản lượng như kỳ vọng, khi các cơ sở hạ tầng khai thác dầu đã bị thu hẹp trong một giai đoạn dầu giá thấp. OPEC+ cho rằng, nếu không tạo ra được các làn sóng đầu tư mới để mở rộng các cơ sở khai thác dầu trên thế giới, thì thị trường sẽ chỉ có thể ở trong tình cảnh thiếu dầu triền miên. Nói chung thì sẽ còn cần phải luận bàn kỹ hơn để nói rằng những lập luận mà OPEC+ đưa ra là đúng hay sai.

Tuy nhiên, một điều có thể rút ra là OPEC+ đã cho thấy họ không còn hài lòng với mức giá 80, thậm chí là 90 USD/thùng. OPEC+ thì không đưa ra một tuyên bố cụ thể nào về mức giá kỳ vọng của mình, nhưng theo một số đánh giá, thì vào khoảng 100 USD/thùng. Điều này đang khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia bị đốt nóng. Tuy nhiên, trong tuyên bố gần đây Riyadh cho rằng, phương Tây không nên đổ sức ép lên họ trước các vấn đề trên thị trường dầu hiện nay. Bởi nếu muốn giá dầu bình ổn, thì không có cách nào khác là những căng thẳng hiện nay giữa phương Tây và Nga phải được hóa giải.

Các quốc gia Đông Nam Á cần tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo Các quốc gia Đông Nam Á cần tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo

VTV.vn - Đây là khuyến nghị mới được đưa ra trong báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước