Mỹ - Trung đạt thỏa thuận giai đoạn mới, thế giới liệu đã có thể thở phào?

Thanh Hiệp -Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 23/12/2019 12:59 GMT+7

VTV.vn - Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, giúp tạm dừng cuộc chiến thương mại kéo dài suốt 18 tháng qua.

Điều mà nền kinh tế toàn cầu e ngại nhất – Mỹ áp đợt thuế bổ sung mới lên hàng hóa Trung Quốc hôm 15/12, rốt cuột đã không xảy ra. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Tuy nhiên, thỏa thuận này liệu đã có thể giúp thế giới thở phào nhẹ nhõm trong năm mới 2020?

Mỹ - Trung đều cần một thỏa thuận

Khảo sát của Công ty Quản lý tài sản đa quốc gia Schroders mới đây cho thấy, kỳ vọng của giới đầu tư về việc Mỹ - Trung Quốc có thể đạt thỏa thuận thương mại đã tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm. Lý do là bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều rất cần một khoảng thời gian nghỉ ngơi, sau quãng thời gian đọ sức quyết liệt với những đòn ăn miếng trả miếng liên tiếp.

Mỹ - Trung đạt thỏa thuận giai đoạn mới, thế giới liệu đã có thể thở phào? - Ảnh 1.

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump có nhiều lý do để sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Trong bối cảnh phe Dân chủ gia tăng nỗ lực luận tội Tổng thống, nhà lãnh đạo Mỹ rất cần thực hiện những chính sách hỗ trợ nền kinh tế nhằm ghi điểm với các cử tri trong cuộc bầu cử 2020. Với việc đã tung ra con bài cắt giảm thuế hồi năm 2018, Tổng thống Trump chỉ còn lại rất ít lựa chọn để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ.

Bởi vậy, với việc Mỹ - Trung Quốc đạt thỏa thuận, Tổng thống Trump chắc chắn là người đầu tiên mỉm cười, ít nhất về mặt chính trị. Ông có thể tuyên bố rằng mình đã đạt được một thỏa thuận, dù giới hạn. Thỏa thuận giai đoạn một không hoàn thành mọi đề mục mà ông Trump đặt ra trong mục tiêu thiết lập lại quan hệ thương mại với Trung Quốc. Song ông và đội ngũ của mình đã không ngừng nhấn mạnh rằng đây là bằng chứng cho thấy chính quyền vẫn nỗ lực để giữ lời hứa từ chiến dịch tranh cử, bất chấp những sức ép luận tội từ phía Đảng Dân chủ.

Mỹ - Trung đạt thỏa thuận giai đoạn mới, thế giới liệu đã có thể thở phào? - Ảnh 2.

Còn với Trung Quốc, năm 2020 là một năm quan quan trọng để Đảng Cộng sản Trung Quốc hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập trong thập niên 2010-2020. Một số nguồn tin cho hay, Trung Quốc có kế hoạch hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống khoảng 6% trong năm 2020 so với mức 6-6,5% của năm nay, dựa vào tăng đầu tư công cho cơ sở hạ tầng để tránh sự sụt giảm mạnh hơn của nền kinh tế. Con số 6% là vừa đủ để đáp ứng mục tiêu về GDP của Bắc Kinh. Trong bối cảnh đó, một thỏa thuận với Washington không chỉ giúp vực dậy niềm tin của các doanh nghiệp Trung Quốc, mà còn tạo ra quãng thời gian nghỉ cần thiết, để giới chức nước này tiếp tục tiến hành các cải cách và mở cửa thị trường.

Những tác động tích cực đối với hai nền kinh tế

Theo tờ The Washington Post, tại Mỹ, thỏa thuận sẽ giúp trấn an những ngành sản xuất vốn bị tổn thương nặng nề trong chiến tranh thương mại. Đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, đồng nghĩa kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng ít nhất 2% trong năm tới và tránh được suy thoái.

Nông dân Mỹ chắc chắn là những người vui mừng nhất khi Trung Quốc cam kết sẽ nhập khẩu một lượng nông sản khổng lồ từ Mỹ vào năm tới, vượt qua cả mức kỷ lục 26 tỷ USD hồi năm 2012. Cho dù con số có thể là 32 tỷ USD (theo lời giới chức Mỹ) hay thậm chí "chạm mức 50 tỷ USD" theo lời Tổng thống Donald Trump, đây cũng sẽ là nguồn tiền vô cùng quan trọng đối với các nông dân Mỹ, những người đã chịu không ít thiệt hại vì thương chiến. Tỷ lệ nông dân Mỹ phá sản đã tăng 24% vào năm ngoái. Sau thỏa thuận, những nông dân từng bầu cho Trump nhiều khả năng sẽ quay lại với ông.

Mỹ - Trung đạt thỏa thuận giai đoạn mới, thế giới liệu đã có thể thở phào? - Ảnh 3.

Các công ty công nghệ như Apple cũng là một trong những bên hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận giai đoạn một bởi họ không bị áp thuế. Trước đó, Tổng thống Trump đã lên kế hoạch áp thuế với điện thoại di động, máy tính xách tay và các sản phẩm công nghệ phổ biến khác sản xuất tại Trung Quốc sau đó vận chuyển đến Mỹ bắt đầu từ ngày 15/12. Tuy nhiên, mối đe dọa này giờ đã bị chặn đứng.

Các hãng bán lẻ lớn như Walmart cũng có thể thở phào nhẹ nhõm đòn thuế trong kế hoạch ngày 15/12 đánh vào đồ chơi và hàng công nghệ đã không xảy ra và đòn thuế kích hoạt hồi tháng 9 nhằm vào mặt hàng may mặc sẽ giảm một nửa, từ 15% xuống còn 7,5%. Rất nhiều nhà bán lẻ vẫn có thể giữ cho giá không tăng trong dịp lễ năm nay bởi một số chuyến hàng đã cập cảng trước khi hàng rào thuế quan được dựng lên, nhưng để tránh tăng giá vào năm 2020 sẽ là nhiệm vụ vô cùng gian nan. Giờ đây, đó không còn là vấn đề với họ.

Còn với Trung Quốc, thỏa thuận thương mại giai đoạn một không khiến nước này phải chịu thiệt quá nhiều. Bắc Kinh đồng ý mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ bao gồm hàng nông sản, năng lượng và sản phẩm công nghiệp, điều mà họ đã lên kế hoạch thực hiện từ trước khi đạt được thỏa thuận. Một đề xuất tương tự thậm chí đã được giới chức Trung Quốc đưa ra từ giữa năm 2018. Nhượng bộ đáng kể nhất mà Trung Quốc thực hiện trong thỏa thuận, chính là đồng ý chịu phạt nếu không hoàn thành các cam kết, tuy nhiên, nếu muốn áp đặt thuế quan trừng phạt, Mỹ sẽ phải trải qua một quá trình tương đối dài. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc hoàn toàn có thể tuyên bố rằng, họ đã buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump phải dỡ bỏ một số biện pháp thuế quan.

Những tác động từ căng thẳng thương mại với Mỹ được dự báo sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc bị giảm tốc trong ít nhất là nửa đầu năm 2020. Do đó, theo Morgan Stanley, áp lực thuế quan giảm bớt cộng với các chính sách hỗ trợ của chính phủ sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng với nền kinh tế số 2 thế giới, giúp cải thiện lòng tin doanh nghiệp, khả năng chi tiêu của người dân và đảm bảo một triển vọng tích cực. Điều này cũng sẽ đảm bảo cho tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm nay đạt mục tiêu đã đề ra là 6%.

Điều kiện thuận lợi cho kinh tế toàn cầu hồi phục

Sự hòa hoãn giữa Mỹ và Trung Quốc cũng được coi là yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy đà hồi phục của kinh tế thế giới trong năm 2020, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm. Morgan Stanley dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ là 3,2% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021. Còn theo Goldman Sachs, đà giảm tốc bắt đầu từ đầu năm 2018 sẽ sớm chấm dứt, nhường chỗ cho tốc độ tăng trưởng 3,4% trong năm 2020, trước khi tăng dần trong những năm kế tiếp.

Mỹ - Trung đạt thỏa thuận giai đoạn mới, thế giới liệu đã có thể thở phào? - Ảnh 4.
Mỹ - Trung đạt thỏa thuận giai đoạn mới, thế giới liệu đã có thể thở phào? - Ảnh 5.

Một trong những nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất từ sự đình chiến này chính là Hàn Quốc – quốc gia vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các nền kinh tế lớn do cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo Viện Nghiên cứu Tài chính Woori, Mỹ và Trung Quốc là hai nhà nhập khẩu sản phẩm Hàn Quốc lớn nhất thế giới. Và trong giai đoạn từ tháng 1-9/2019, xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước, ghi dấu mức giảm lớn nhất trong số 10 quốc gia hàng đầu thế giới về giao dịch thương mại. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của quốc gia Đông Bắc Á này hoàn toàn có thể phục hồi sau khi Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận giai đoạn một.

Ngoài ra, các nền kinh tế mới nổi, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2019, trở thành động lực cho kinh tế toàn cầu. Goldman Sachs dự báo các nền kinh tế này sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2020 và 4,9% trong năm 2021.

Chưa giải quyết được các vấn đề mang tính dài hạn

Thế nhưng xét về mặt dài hạn, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc còn rất lớn và không chỉ là xung đột về mặt cán cân thương mại. Trên thực tế, nội dung thỏa thuận giai đoạn 1 đã có phần mở rộng liên quan tới một số vấn đề quan trọng như sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, dịch vụ tài chính… nhưng vẫn chưa bao gồm những vấn đề lớn nhất. Đó là sự thay đổi chính về mặt cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có vấn đề nan giải như chính sách trợ cấp doanh nghiệp nội địa mà ông Trump muốn thực hiện bằng được.

Ngay sau khi đạt được thỏa thuận giai đoạn một, phía Mỹ đã dọa sẽ áp thuế Trung Quốc nếu có tranh chấp. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, nếu giữa Mỹ và Trung Quốc phát sinh tranh chấp thương mại mà không thể giải quyết được thì Mỹ sẽ sử dụng các công cụ thuế quan. Đảng Dân chủ cũng đưa ra một loạt những lời chỉ trích, trong có đề cập tới việc thỏa thuận có thể khiến Mỹ mất lợi thế trong nỗ lực buộc Trung Quốc giải quyết những vấn đề quan trọng nhất là chính sách trợ cấp doanh nghiệp nội địa, ép buộc chuyển giao công nghệ…

Mỹ - Trung đạt thỏa thuận giai đoạn mới, thế giới liệu đã có thể thở phào? - Ảnh 6.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết các vấn đề về cơ cấu kinh tế Trung Quốc, bao gồm các hành vi gián điệp kinh tế, việc ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ, trợ giá bất công cho các doanh nghiệp Trung Quốc... sẽ được giải quyết trong giai đoạn hai của thỏa thuận.

Tuy nhiên, chuyên gia Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ tỏ ra hoài nghi về khả năng Trung Quốc sẽ thực hiện điều này: "Rất nhiều người cho rằng giai đoạn hai có ý nghĩa thực sự sẽ không bao giờ diễn ra." Báo The Washington Post cũng nhận định, việc được giảm áp lực thuế quan với thỏa thuận thương mại giai đoạn một, sẽ khiến Trung Quốc có ít lý do để nhượng bộ hơn trong các cuộc đàm phán kế tiếp trong năm 2020.

Tương lai bất định trong năm 2020

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời ông Ben Powell - chiến lược gia về đầu tư tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Viện nghiên cứu Đầu tư BlackRock cho biết, sẽ là hợp lý khi tin rằng, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tạm hài lòng với một thỏa thuận có "phạm vi rất hẹp" trong năm 2020, quãng thời gian mà cả hai nước đều không muốn có những xáo trộn lớn. Ông nhận xét mâu thuẫn giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới "mang tính cấu trúc và sẽ kéo dài trong nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ".

Với Tổng thống Donald Trump, trong khi thỏa thuận thương mại giai đoạn một có thể tạm thời giúp ổn định thị trường tài chính, việc không quá vội vàng trong việc ký một thỏa thuận giai đoạn hai là điều cần thiết, bởi phe ủng hộ chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc luôn khẳng định rằng một thỏa thuận với những điều khoản tệ hại sẽ ảnh hưởng xấu tới ông Trump. Chính bản thân nhà lãnh đạo Mỹ cũng từng thừa nhận, ông thích ý tưởng chờ đến sau cuộc bầu cử mới đạt thỏa thuận với Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng sẽ không có lý do gì để vội vàng trên bàn đàm phán, trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vẫn chưa có triển vọng rõ ràng.

Mỹ - Trung đạt thỏa thuận giai đoạn mới, thế giới liệu đã có thể thở phào? - Ảnh 7.

Tuy nhiên, những rủi ro căng thẳng thương mại có thể nhanh chóng gia tăng sau khi cuộc bầu cử 2020 ngã ngũ. Một thắng lợi dành cho Tổng thống Trump sẽ giúp ông có đủ lợi thế để làm bất cứ điều gì mình muốn. Thậm chí, chuyên gia kinh tế trưởng Charles Dumas tại công ty nghiên cứu TS Lombard còn cho rằng, cho dù cuộc bầu cử Tổng thống 2020 có kết quả như thế nào đi chăng nữa, căng thẳng thương mại vẫn sẽ leo thang. "Nếu ông Trump giành chiến thắng, chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục gia tăng, một điều đáng lo ngại cho thị trường. Nhưng ngay cả khi ông Trump thất bại và một ứng viên Dân chủ lên nắm quyền, người đó nhiều khả năng cũng sẽ thực hiện những chính sách đối với Trung Quốc tương tự như những gì ông Trump đã làm".

Nguồn: SCMP, Washington Post, Reuters, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Schroders

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước