Công nhân khai thác urani ở Nga. (Ảnh minh họa: TASS)
Dự luật này cần phải được Thượng viện Mỹ thông qua và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký ban hành. Sau khi được ban hành, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu urani từ Nga trong 90 ngày nhưng còn tùy thuộc vào việc miễn trừ. Dự luật có các điều khoản miễn trừ, cho phép nhập khẩu urani làm giàu ở mức độ thấp của Nga nếu Bộ Năng lượng Mỹ xác định không có nguồn thay thế để vận hành lò phản ứng hạt nhân hoặc công ty năng lượng hạt nhân Mỹ, hoặc nếu việc nhập khẩu này phục vụ lợi ích quốc gia.
"Tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân từ Nga tạo ra rủi ro rất lớn", hạ nghị sĩ Cathy McMorris Rodgers cho biết. "Điều này làm suy yếu hạ tầng nhiên liệu hạt nhân của Mỹ, vốn đã suy giảm đáng kể vì phụ thuộc vào những nguồn cung giá rẻ".
Theo ông Rodgers, phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu hạt nhân từ Nga là "một trong những mối đe dọa an ninh cấp bách nhất mà Mỹ đối mặt hiện nay". Hạ nghị sĩ này cũng cho rằng chiến sự Nga - Ukraine làm trầm trọng thêm vấn đề.
Hạ nghị sĩ Frank Pallone nhận định, "kết hợp giữa lệnh cấm nhập khẩu uranium từ Nga và đầu tư vào năng lực trong nước sẽ mang lại sự chắc chắn và động lực cần thiết để khối tư nhân đầu tư vào chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân".
Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Theo đó, Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu mỏ và áp giá trần đối với dầu thô cùng các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga vận chuyển qua đường biển, nhưng chưa cấm nhập khẩu urani.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong năm 2022, lượng urani của nước này chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu. Và các nhà máy điện hạt nhân tại Mỹ đã phải nhập khẩu khoảng 12% từ Nga, 27% từ Canada, 25% từ Kazakhstan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!