Năm 2020 và tư duy mới cho đồ cũ

Diệu Linh-Thứ hai, ngày 21/12/2020 17:08 GMT+7

VTV.vn - Đại dịch COVID-19 làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu nhưng lại khiến thị trường đồ cũ bùng nổ. Cái nhìn của người tiêu dùng về đồ secondhand đã thay đổi như thế nào?

Tư duy mới cho đồ cũ

Một trong những thay đổi lớn nhất trên thị trường đồ cũ hay còn gọi là "hàng secondhand" phải kể đến bước chân gia nhập chính thức của hãng thời trang danh tiếng Gucci. Ngày 5/10, Gucci công bố hợp tác với The RealReal, trang thương mại điện tử chuyên kinh doanh hàng cao cấp đã qua sử dụng có hơn 17 triệu người dùng. Theo đó, The RealReal sẽ mở một cổng kinh doanh riêng cho các sản phẩm secondhand của Gucci, còn Gucci cũng sẽ cung cấp thêm nhiều sản phẩm đồ cũ khác, chủ yếu là từ những bộ sưu tập mới chỉ dùng trong các buổi chụp hình quảng cáo của hãng.

Năm 2020 và tư duy mới cho đồ cũ - Ảnh 1.

Động thái gia nhập thị trường đồ cũ của Gucci dự báo sẽ tạo ra xu hướng mới trong làng thời trang

Vài năm trước, hầu hết các thương hiệu cao cấp đều "đứng ngoài cuộc" việc ký gửi và bán lại đồ cũ. Thậm chí một số hãng còn lên tiếng chống lại việc tiêu thụ đồ cũ, cảnh giác với hàng giả hoặc đưa ra dự báo về viễn cảnh mất thị phần nếu người dùng chấp nhận hàng secondhand. Tuy nhiên, tư duy này đang dần thay đổi và sự bùng nổ của thị trường đồ secondhand trong mùa dịch COVID-19 như chất xúc tác khiến các hãng thời trang không thể nằm ngoài cuộc chơi mới.

Các web trao đổi, mua bán hàng hiệu secondhand như The RealReal (Mỹ), Vestiaire Collective (Pháp) đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng chất ngất thời dịch bệnh.Theo New York Times, cách đây vài tháng, trước khi các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu đóng cửa, Karen Oberman -một tín đồ thời trang sống ở phía Bắc thành phố New York (Mỹ) - đã kịp mua chiếc đồng hồ Chanel J12 Phantom mà cô yêu thích với giá 3.146 USD (khoảng 73 triệu), trong khi giá gốc gần gấp đôi (khoảng 140 triệu đồng).

Năm 2020 và tư duy mới cho đồ cũ - Ảnh 2.

Mẫu đồng hồ Chanel J12 Phantom bán lại còn nửa giá trên TheRealReal. Ảnh: The New York Times.

Karen cho biết cô đã nhiều lần mua thành công loạt phụ kiện đã qua sử dụng với giá chưa đến một phần năm so với giá gốc. Không chỉ Karen, rất nhiều tín đồ hàng hiệu cũng "săn lùng" những item cao cấp đã qua sử dụng như đồng hồ Patek Philippe và Rolex. Họ thuộc tuýp người thường xuyên thay đổi phong cách thời trang và ít khi cố định với một chiếc túi hay phụ kiện nào. Việc chú trọng thể hiện phong cách bản thân trở nên hấp dẫn hơn là chi bộn tiền cho một món đồ chỉ để cất vào tủ. Do đó, hàng hiệu sang tay là giải pháp hợp lý giúp họ sở hữu món đồ yêu thích với giá "mềm" hơn.

Năm 2020 và tư duy mới cho đồ cũ - Ảnh 3.

The RealReal hợp tác với nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ nổi tiếng

Khi túi tiền của nhiều người trở nên eo hẹp hơn vì dịch COVID-19, họ bắt đầu nhìn nhận khác về giá trị thực của các món đồ hiệu đã qua sử dụng. Chúng vẫn là những mẫu thiết kế chính hãng của những tên tuổi hàng đầu trong làng thời trang thế giới như Louis Vuitton, Chanel, Dior, Gucci, Burberry hay Hermes, vẫn là những sản phẩm với chất liệu cao cấp và đường may tỉ mỉ thế nhưng giá chỉ còn một nửa, một phần ba hoặc thậm chí là một phần năm giá gốc. Cùng một số tiền cho một chiếc túi mới nhưng có thể sở hữu tới 4-5 chiếc túi hiệu secondhand trông vẫn còn mới khác. Tại sao không?

Những "cỗ máy thời gian" hái ra tỷ USD

Họ gọi những trang web bán đồ cũ là những "cỗ máy thời gian" mang lại cuộc đời thứ hai cho những món đồ cũ. Theo nghiên cứu mới nhất của BCG (Boston Consulting Group), mức độ tăng trưởng trung bình qua từng năm của thị trường resale thời trang cao cấp là 12%, tăng nhanh hơn hẳn so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường thời trang cao cấp là 3%. Còn theo ThredUp, doanh nghiệp hàng thời trang second-hand trực tuyến lớn nhất thế giới thì mô hình kinh doanh resale đang phát triển rất tốt trong đợt dịch COVID-19 hoành hành. Theo đó, trong giai đoạn từ tháng Ba đến cuối tháng Năm, doanh nghiệp này vẫn duy trì được mức tăng trưởng 20% kể từ khi lệnh cách ly toàn xã hội được ban hành, trong khi những mô hình thương mại thời trang khác giảm đến 24%.

Năm 2020 và tư duy mới cho đồ cũ - Ảnh 4.

Khu trưng bày đồ secondhand của Vestiaire Collective tại Pháp

Bên cạnh đó, thị trường resale được nhận định sẽ tăng trưởng từ 28 tỷ USD vào năm 2019 lên 64 tỷ USD vào năm 2024, chiếm giữ 7% thị trường thời trang cao cấp. Trong đó, thế hệ Millennials và Gen Z (những người sinh ra trong khoảng năm 1996-2005) là những người tiếp nhận xu thế thời trang second-hand nhanh gấp 2,5 lần so với những nhóm tuổi khác, dựa theo thống kê của ThredUP. Nhận định về Gen Z và late-Millennial là thế hệ người trẻ rất thích trưng diện và khẳng định bản thân thông qua các nền tảng mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ như Facebook, Instagram, Tiktok, Snapchat… Song hành với nhu cầu thể hiện bản thân thông qua thời trang, thế hệ này cũng được định hướng và truyền thụ tư tưởng thời trang bền vững, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu vô cùng mạnh mẽ. Đặc biệt dịch COVID-19 khiến nhiều người quan tâm đến vấn đề sức khoẻ và nhận thức sâu sắc hơn về môi trường sống. Bởi vậy, quyết định tiêu dùng cũng đi theo xu hướng bền vững hơn. Với diễn tiến của COVID-19, sẽ càng nhiều người mua sản phẩm second-hand để tiết kiệm chi phí, nhưng cũng đồng thời giải tỏa tâm lý vì phải cách ly hay những vấn đề về kinh tế, lẫn phát sinh khác trong thời kỳ khó khăn. COVID-19 chính là bệ phóng thúc đẩy cho thị trường resale tăng trưởng tốt hơn.

Năm 2020 và tư duy mới cho đồ cũ - Ảnh 5.

Nhiều người trẻ chú trọng đầu tư phong cách bản thân thông qua quần áo, phụ kiện, có thể là mua hàng sang tay hay thuê đồ hiệu. Ảnh: The New York Times.

Theo sự đánh giá khách quan từ các chuyên gia, sự tăng trưởng về thị trường thời trang second-hand (resale) sẽ tăng lên 52%, dịch vụ rental (thuê quần áo) sẽ tăng đến 28% và thời trang bền vững là 43%, trong khi đó thời trang nhanh sẽ bị giảm tới 24% và các trung tâm mua sắm sẽ giảm ở mức 44%, trong vòng 5 năm tiếp theo.

Cách ly thời COVID-19 định hình lối sống mới

Trong thời kỳ cách ly COVID-19, số lượng người tiến hành dọn dẹp và phân loại đồ cũ là rất lớn. Phần đông họ sẽ lựa chọn bán đi các sản phẩm quần áo thời trang đã cũ với các lý do hợp lý là để kiếm tiền, tái chế vì môi trường, dọn dẹp tủ đồ hay là kiếm tiền để mua quần áo second-hand khác.

Năm 2020 và tư duy mới cho đồ cũ - Ảnh 6.

Có rất nhiều lý do thích đáng để người tiêu dùng hướng đến đồ secondhand trong muà dịch COVID-19

Tại Nhật Bản, Thống đốc Tokyo thậm chí còn kết hợp với chuyên gia dọn đồ Mari Kondo - người từng gây sốt toàn thế giới với "phương pháp sắp xếp KonMari" - để quảng bá chiến dịch này. Nhiều người dân Nhật Bản đã ghi nhớ và áp dụng hiệu quả thông điệp đó. Kết quả là thị trường đồ cũ, đã qua sử dụng đang bùng nổ tại xứ sở mặt trời mọc.

"Trong tiếng Nhật có cụm từ Danshari, có nghĩa là đơn giản hóa cuộc sống của bạn. Mọi người đang dần thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng đó. Mọi người tìm đến chúng tôi bởi vì dịch vụ của chúng tôi hữu ích, giúp dọn dẹp ngôi nhà của bạn gọn gàng hơn", chia sẻ của ông Kyohei Iwata, CEO của nền tảng Buysell Technologies - trang web chuyên buôn bán đồ cũ.

Công ty sẽ cử đại diện đến tận nhà của khách hàng để thu gom đồ và sau đó bán lại chúng trên mạng hoặc mang đi đấu giá. Sau chuyến ghé thăm của nhân viên công ty Buysell, bà Mitsuko Iwama, năm nay 71 tuổi đã có thể nói lời chia tay với 22 bộ kimono gắn bó hơn chục năm qua, với mức giá 40 USD, tương đương hơn 800.000 đồng/ 1 bộ. Tuy nhiên bà chia sẻ, tiền bạc không phải là vấn đề ở đây.

Năm 2020 và tư duy mới cho đồ cũ - Ảnh 7.

Bà Mitsuko Iwama nói lời chia tay với những bộ kimono đã gắn bó hơn chục năm qua

"Thật là phí phạm khi cứ để những bộ kimono treo không trên mắc. Tôi sẽ thấy vui hơn nếu các bạn trẻ có thể mặc nó thay tôi", bà Iwama chia sẻ.

Quan điểm và hành động của những người như bà Mitsuko Iwama đang được giới trẻ và người dân Nhật Bản hết sức đón nhận.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước