Kỷ lục nắng nóng, lũ lụt trên khắp thế giới: Bình thường hay bất thường?

Thanh Hiệp-Thứ sáu, ngày 21/07/2023 10:31 GMT+7

VTV.vn - Các sự kiện thời tiết cực đoan ở mức kỷ lục đang xảy ra với tần suất thường xuyên hơn. Xu hướng này được dự báo sẽ ngày càng trầm trọng, nếu thế giới không sớm hành động.

Những kỷ lục liên tục bị phá vỡ

Theo CNN, mùa hè năm nay ở Bắc bán cầu đang diễn ra như một bộ phim về ngày tận thế, với những đợt nắng nóng, lũ lụt và cháy rừng xảy ra liên tục. Chỉ trong vòng chưa đầy ba tuần lễ kể từ đầu tháng 7 đến nay, hàng loạt kỷ lục về thời tiết khắc nghiệt đã bị phá vỡ.

Một đợt nắng nóng gay gắt kéo dài không ngớt đã càn quét phần lớn miền Nam và Tây Nam nước Mỹ. Nhiệt độ tại thành phố Phoenix, bang Arizona đã đạt mức cao kỷ lục khi vượt ngưỡng 43,3 độ C trong 19 ngày liên tiếp. Số ca bệnh liên quan đến nắng nóng nằm chật cứng tại khoa cấp cứu của các bệnh viện.

Các nước Nam Âu cũng đang trải qua một trong những đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất từng được ghi nhận. Hàng loạt đám cháy rừng đang hoành hành tại Hy Lạp, Tây Ban Nha và Thụy Sỹ.

Kỷ lục nắng nóng, lũ lụt trên khắp thế giới: Bình thường hay bất thường? - Ảnh 2.

Ngọn lửa từ đám cháy rừng bao phủ một ngôi nhà tại Saronida, gần Thủ đô Athens của Hy Lạp hôm 17/7. (Nguồn: CNN)

Còn tại châu Á, nhiệt độ đã tăng lên trên 50 độ C ở Trung Quốc, thậm chí có nơi như thị trấn Sanbao ở Tân Cương ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 52,2 độ C hôm 17/7. Nhiệt độ cao kỷ lục 41,1 độ C tại Nhật Bản hồi năm 2018 cũng được dự báo sẽ sớm bị phá vỡ.

Cùng lúc đó, mưa lớn lại gây ngập lụt nhiều khu vực ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người, gây lũ quét, lở đất và mất điện. Hiện tượng thời tiết cực đoan cũng được ghi nhận ở nhiều khu vực khác ở châu Á, ví dụ như tại Philippines và Campuchia, nơi lũ lụt khiến giao thông gián đoạn ở các thành phố lớn như Manila và Phnom Penh.

Trước đó, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, tháng 6 vừa qua là tháng nóng nhất trong vòng 174 năm qua, kể từ khi cơ quan này bắt đầu ghi chép lại số liệu.

Lượng băng biển đo được trên toàn cầu trong tháng 6 cũng ở mức thấp kỷ lục, đặc biệt là do lượng băng ở Nam Cực giảm xuống. Giáo sư Paul Ullrich tại Đại học California nhận định: "Năm nay gần như chắc chắn sẽ phá mọi kỷ lục về số lượng các hiện tượng thời tiết cực đoan".

Bình thường hay bất thường?

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 18/7, ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), đã gọi đợt thời tiết khắc nghiệt kéo dài này là "trạng thái bình thường mới".

Tuy nhiên, một số nhà khoa học đã đưa ra quan điểm phản biện ý kiến này của người đứng đầu WMO. Giáo sư Hannah Cloke – chuyên gia khoa học khí hậu tại Đại học Reading (Anh) cho biết: "Khi tôi nghe về điều đó, tôi cảm thấy rất khó chịu vì đây không thật sự là điều bình thường mới. Chúng ta không thể biết tương lai sẽ ra sao cho đến khi chúng ta ngừng thải khí nhà kính vào bầu khí quyển".

Trong khi đó, giáo sư Michael E. Mann - nhà khoa học khí hậu nổi tiếng tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), lại mô tả tình hình thời tiết mà thế giới đang chứng kiến là "trạng thái bất thường mới".

Chia sẻ với kênh CNN, ông nói rằng cách gọi trạng thái bình thường mới "truyền tải một quan điểm sai lầm rằng, chúng ta vừa bước sang một trạng thái khí hậu mới và tất cả những gì cần làm chỉ là thích nghi với nó".

Theo giáo sư Mann, "thực tế lại nghiêm trọng hơn thế nhiều". "Các tác động ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi việc đốt nhiên liệu hóa thạch và sự ấm lên của Trái đất vẫn tiếp diễn. Đó là cơ sở để tạo ra các hậu quả tàn khốc hơn".

Đối với các chuyên gia, diễn biến thời tiết khắc nghiệt trong năm nay hầu như không có gì đáng ngạc nhiên. Sự phát triển của El Nino – một hiện tượng tự nhiên khiến toàn cầu nóng lên, nằm bên ngoài quá trình ấm lên của Trái Đất do con người gây ra, dự kiến sẽ có tác động lớn.

Tuy nhiên, theo giáo sư Mann, xét trên phạm vi khu vực, đã có "một số sự bất thường đáng chú ý", ví dụ như mức băng biển mùa Đông tại Nam Cực đạt mức thấp kỷ lục, hay nhiệt độ cao chưa từng có ở Bắc Đại Tây Dương. "Đó là những lời nhắc nhở rằng, chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều kỷ lục khác bị phá vỡ, nếu tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch."

Khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng hơn, nhiều diễn biến bất ngờ khác sẽ xảy ra. Ông Peter Stott – một chuyên gia về khí hậu tại Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh cho biết, "các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục trở nên khốc liệt hơn và các hình thái thời tiết có thể thay đổi theo những cách mà chúng ta chưa thể dự đoán được".

Kỷ lục nắng nóng, lũ lụt trên khắp thế giới: Bình thường hay bất thường? - Ảnh 6.

Một số đợt nắng nóng, cháy rừng và lũ lụt đã vượt quá khả năng dự báo của các mô hình đo lường khí hậu. (Nguồn: New York Times)

Trên thực tế, theo giáo sư Mann, trong một số trường hợp, các đợt nắng nóng, cháy rừng và lũ lụt đã vượt quá những gì mà các mô hình đo lường khí hậu có thể dự báo. Ông cho biết, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự thay đổi trong dòng phản lực, vốn được thúc đẩy bởi sự chênh lệch nhiệt độ giữa các cực và xích đạo.

Khi Bắc Cực ấm lên nhanh chóng, sự chênh lệch nhiệt độ đó giảm đi, và dòng phản lực chậm lại rồi suy yếu. Điều này có thể khiến các hình thái thời tiết bị khóa tại một chỗ trong thời gian dài hơn. Giáo sư Mann nhận định, "tại cùng một khu vực, nhiệt độ nắng nóng sẽ kéo dài từ ngày này sang ngày khác, hoặc mưa sẽ kéo dài nhiều ngày liên tiếp – đó là những gì mà chúng ta đang chứng kiến trong mùa Hè này."

Vẫn còn thời gian để tránh kịch bản tồi tệ nhất

Theo giáo sư Timothy Canty – chuyên gia về khoa học khí quyển và đại dương tại Đại học Maryland (Mỹ), khi hiện tượng nóng lên toàn cầu El Nino xảy ra đồng thời, "rất khó để phân biệt đâu chỉ là hiện tượng thời tiết nhất thời, đâu là xu hướng lâu dài". Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là biến đổi khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan có khả năng xảy ra cao hơn.

Kỷ lục nắng nóng, lũ lụt trên khắp thế giới: Bình thường hay bất thường? - Ảnh 7.

Biến đổi khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra phổ biến hơn. (Nguồn: Reuters)

Và theo bà Vikki Thompson - Nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan, cho rằng, các quốc gia sẽ khó thích nghi với những hình thái thời tiết khắc nghiệt mới. "Chúng ta sẽ thấy sự kết hợp của các hình thái thời tiết có thể dẫn đến những tác động không mong muốn. Nhiệt độ cực cao có thể nhanh chóng kéo theo lượng mưa lớn, gây ảnh hưởng đến xã hội, nông nghiệp và các hệ sinh thái theo những cách bất thường".

Cũng theo bà Thompson, "Các quốc gia có xu hướng chuẩn bị ứng phó với điều tồi tệ nhất mà họ từng trải qua. Nhưng trong bối cảnh thời tiết cực đoan đang liên tiếp phá vỡ các kỷ lục như hiện tại, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho cả những tình huống tưởng như là không thể xảy ra ngay lúc này".

Các chuyên gia cảnh báo, chừng nào lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu còn gia tăng, xu hướng thời tiết khắc nghiệt ngày càng thường xuyên hơn dự kiến ​​sẽ tiếp diễn. Tuy vậy, thế giới vẫn còn thời gian để ngăn chặn những kịch bản tồi tệ nhất.

Kỷ lục nắng nóng, lũ lụt trên khắp thế giới: Bình thường hay bất thường? - Ảnh 8.

Xu hướng thời tiết cực đoan sẽ ngày càng diễn ra thường xuyên nếu lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu tiếp tục gia tăng. (Nguồn: Reuters)

Trong đó, việc giảm lượng khí thải nhà kính thải vào khí quyển, bằng cách hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ là điều quan trọng nhất mà các quốc gia cần nỗ lực thực hiện để điều hòa các hiện tượng thời tiết cực đoan. Giáo sư Mann cho biết, các nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy rằng, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ dừng lại gần như ngay lập tức sau khi thế giới ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, theo giáo sư Canty, "mỗi người đều có thể đóng góp trong việc giảm phát thải khí nhà kính bằng cách thực hiện những việc nhỏ, ví dụ như tắt đèn, tắt điều hòa khi không sử dụng, tránh lãng phí thực phẩm và sử dụng phương tiện giao thông công cộng".

Giáo sư Mann cảnh báo, "nếu các chính phủ và mỗi người dân không hành động ngay bây giờ, thì các hiện tượng thời tiết cực đoan như đã thấy sẽ chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm đang dần tan chảy".

Chia sẻ quan điểm trên, giáo sư Cloke cũng hối thúc. "Tình hình thực sự đáng sợ. Nhưng chúng ta hành động càng nhiều và càng sớm bao nhiêu thì tương lai của chúng ta sẽ càng tốt đẹp hơn bấy nhiêu."

Nguồn: CNN, New York Times, CNBC, Reuters

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước