Dòng người tị nạn đến Liên minh châu Âu (EU) có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm 2023, nếu không có sự điều chỉnh trong chính sách và các cuộc xung đột chưa hạ nhiệt. Cảnh báo mới được Cơ quan Biên giới và Cảnh sát biển châu Âu đưa ra trong bối cảnh tình trạng di cư bất hợp pháp vào châu Âu đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015-2016 của lục địa này.
Gia đình Younis al-Shaer vẫn chưa hết bàng hoàng về sự ra đi của anh, một chàng trai 21 tuổi. Người thanh niên này rời Gaza với mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu, thế nhưng mọi thứ đã không như dự định.
Anh Mohammed al-Shaer - Anh trai của Younis al-Shaer: "Chúng tôi mất liên lạc với em ấy khoảng 20 ngày. Chúng tôi đã tìm kiếm và những kẻ buôn người nói rằng em ấy vẫn ổn, nhưng có chút vấn đề về thủ tục. Chúng đã lừa dối chúng tôi".
Younis al-Shaer chỉ là một trong số rất nhiều người Palestine mạo hiểm thực hiện cuộc hành trình đầy nguy hiểm qua Địa Trung Hải.
Ông Samir Zaqout - Phó giám đốc Trung tâm Nhân quyền Al Mezan cho biết: "Khoảng 250.000 người Palestine, chiếm khoảng 10% dân số Gaza, đã tìm cách rời khỏi Dải Gaza và đến Tây Âu. Đây là một tỷ lệ đáng kể".
Xung đột, thất nghiệp, mất an ninh lương thực được xem là những yếu tố chính khiến dòng người di cư liên tục đổ về châu Âu - nơi được "truyền tai" là miền đất hứa.
Tính đến đầu tháng 12, khoảng 4,8 triệu người được Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc xét tị nạn, chủ yếu tại các nước Đông Âu như Ba Lan, Đức, Romania, Slovakia và các nước Baltic. Ủy viên Nội vụ EU Ylva Johansson cho rằng khối này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất kể từ Thế chiến II, đồng thời khẳng định rằng châu Âu sẽ cùng nhau tiếp tục hỗ trợ những người di cư.
Trong khi đó, Cơ quan Biên giới và Cảnh sát biển châu Âu cũng dự báo từ nay cho đến năm 2032, EU sẽ chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng di cư hơn, do đó, sẽ cần có những biện pháp kiểm soát biên giới hiệu quả.
Trong năm qua, số người xin tị nạn từ Syria, Afghanistan, Pakistan và Ai Cập vào châu Âu đã tăng mạnh. Tuyến đường Balkan qua Hy Lạp, Bắc Macedonia, Serbia, Bosnia, Croatia và Hungary hiện có số lượng người di cư và xin tị nạn cao nhất.
Trong 10 tháng của năm 2022, các nước EU đã đón nhận khoảng 280 nghìn người di cư. Con số này cao hơn 77% so với năm 2021 và là con số lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015 và 2016.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!