Hàng chục triệu người đã phải chịu đựng nhiệt độ ban ngày và ban đêm ở mức nguy hiểm trong một "vòm nhiệt" kéo dài ở phía Tây Nam của Mỹ, Mexico, Guatemala, Belize, El Salvador và Honduras. Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học thuộc World Weather Attribution (WWA), tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới.
Tình trạng nóng lên toàn cầu do con người gây ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, khiến nhiệt độ tối đa trong 5 ngày được nghiên cứu nóng hơn khoảng 1,4oC và hiện tượng này có khả năng xảy ra cao hơn khoảng 35 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp. Khả năng xuất hiện những mức nhiệt cao như vậy tại Mỹ, Mexico và Trung Mỹ vào tháng 5 và 6 năm nay lớn hơn 4 lần so với 25 năm trước.
Vào tháng 5 và đầu tháng 6, "mái vòm nhiệt" bao trùm khu vực phá vỡ nhiều kỷ lục hàng ngày và quốc gia, đồng thời gây ra tình trạng khốn khổ cho nhiều người. Nắng nóng cực độ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp và thận, đồng thời làm quá tải nguồn cung cấp điện, hệ thống chăm sóc sức khỏe và các cơ sở hạ tầng khác.
Ít nhất 125 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị say nắng ở Mexico kể từ tháng 3, khi nhiệt độ lên tới gần 52oC vào ngày 13/6 - ngày nóng nhất từng được ghi nhận ở nước này. Nắng nóng gay gắt đã làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và ô nhiễm không khí, gây ra tình trạng mất điện, thiếu nước, hàng nghìn vụ cháy rừng, hàng loạt loài khỉ và chim có nguy cơ tuyệt chủng. Tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh thực tế vẫn chưa được thống kê hết.
Tại Phoenix, Arizona - thành phố nóng nhất nước Mỹ, 72 trường hợp nghi tử vong do nắng nóng đã được ghi nhận, tính đến ngày 8/6 (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023). Trên khắp vùng Tây Nam nước Mỹ, hơn 34 triệu người được cảnh báo về tình trạng nắng nóng, hàng chục người bị kiệt sức vì nóng khi tham gia các cuộc biểu tình.
Người dân giải nhiệt tránh nóng tại hồ nước ở Chicago, Mỹ ngày 17/6/2024 (Ảnh: THX/TTXVN)
Tại Guatemala - khu vực nóng nhất và khô hạn nhất nước Mỹ, nơi hầu hết người dân kiếm sống bằng công việc đồng áng vất vả, các trường học phải đóng cửa khi nhiệt độ lên tới 45oC. Người dân ở một số khu vực cũng đối mặt với tình trạng mất mùa, thiếu nước nghiêm trọng.
Ở Honduras, điện bị cắt giảm, khói từ các vụ cháy rừng không được kiểm soát góp phần gây ra ô nhiễm không khí.
Theo WWA, nếu con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch trong thời gian tới, những hiện tượng cực đoan như vậy có thể trở nên thường xuyên hơn nữa và dự báo sẽ có thêm hàng triệu người sẽ phải tiếp xúc với mức nhiệt nguy hiểm trong tương lai. "Chừng nào con người còn lấp đầy bầu khí quyển bằng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch thì sức nóng sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn" - một tác giả trong nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Nhiệt độ cao là thời tiết khắc nghiệt gây tử vong nhiều nhất nhưng các chuyên gia cho biết thường bị đánh giá thấp, đặc biệt là trẻ em, người già và người làm việc ngoài trời. Tại Mexico và Trung Mỹ, tác động của nhiệt độ cao tăng lên do điều kiện nhà ở kém, khả năng tiếp cận dịch vụ làm mát hạn chế và đối với những người sống trong các khu dân cư không chính thức. Nhiệt độ cao cũng đe dọa đến sự ổn định của nguồn cung cấp điện, vốn rất quan trọng đối với hoạt động của các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Theo một báo cáo mới nhất của Cơ quan Biến đổi Khí hậu của Ủy ban châu Âu, tháng 5 năm nay là tháng nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu và là tháng thứ 12 liên tiếp kỷ lục về nhiệt độ trung bình hàng tháng bị phá vỡ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!