Nguồn ảnh: Reuters UK.
Kỷ niệm 70 năm thành lập nhưng có thể thấy, NATO lại đang chật vật tìm kiếm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Ngay trước thềm hội nghị, nước chủ nhà Anh đã phải kêu gọi các nước thành viên đoàn kết, chia sẻ cùng nhau những ưu tiên giải quyết thách thức trong tương lai. Tuy nhiên, chính nước chủ nhà cũng đang bất đồng cả trong nội bộ, cả với các đồng minh châu Âu, về một việc riêng của họ là Brexit.
Theo phóng viên Phương Huyền tại London: "Hội nghị thượng đỉnh NATO hàng năm vẫn được luân phiên tổ chức ở các nước thành viên. Việc hội nghị năm nay tổ chức tại Anh, trong bối cảnh rối ren vì Brexit, có thể cũng có những điểm đặc biệt. Nếu nhớ lại hồi tháng 7 năm nay, sứ mệnh hải quân do Mỹ phát động tại eo biển Hormuz, cũng chỉ có Anh hưởng ứng, Đức phản đối còn Pháp thì dè dặt. Vụ việc đó cho thấy mắt xích lỏng lẻo của liên minh giữa Mỹ và các thành viên chủ chốt khác trong NATO vào thời điểm hiện nay. Đặt nước Anh trong bối cảnh tiến trình Brexit, nước này chắc chắn sẽ là một đối tác nhiệt tình hơn với Mỹ. Nhưng dù có hay không còn là thành viên Liên minh châu Âu, xét về quan hệ chiến lược, Anh và các nước châu Âu, bao gồm rất nhiều thành viên NATO, sẽ luôn có lợi ích tương hỗ về chính trị, quân sự. Vì vậy trong hoàn cảnh hiện tại, nếu muốn giải quyết bất đồng giữa Mỹ và các cường quốc NATO khác, tiếng nói hòa giải và cầu nối nếu giao cho nước Anh có lẽ là phù hợp. Phía Anh chắc chắn cũng rất chờ đợi cơ hội tổ chức NATO lần này, vì nếu ra khỏi châu Âu, nước này chắc chắn muốn củng cố hơn nữa vai trò và tiếng nói trong khối liên minh quân sự".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!