Nền kinh tế số 2 thế giới trước hàng loạt thách thức trong giai đoạn cuối năm

Việt Linh (Tổng hợp Bloomberg, CNBC, Nikkei)-Thứ năm, ngày 21/10/2021 06:04 GMT+7

VTV.vn - Kinh tế Trung Quốc trong quý III/2021 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong vòng hơn 1 năm qua, cho thấy những áp lực lớn lên kinh tế nước này trong quý cuối năm nay.

Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc quý III ghi nhận mức tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, hầu như tương đồng với dự báo của giới chuyên gia. Đáng chú ý là tăng trưởng theo quý chỉ là 0,2%, và sản lượng công nghiệp trong tháng 9 cũng đi lên dưới mức dự báo.

Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như việc thắt chặt thị trường nhà đất đang được xem là những yếu tố chính đóng góp vào mức tăng trưởng yếu của quý vừa rồi, theo các chuyên gia của Bloomberg. Và tình hình giảm tốc được xem là sẽ còn có thể kéo dài sang quý IV, khi giới chức Trung Quốc phát tín hiệu sẽ không vội vàng tung ra các gói hỗ trợ nền kinh tế, để theo đuổi định hướng chính sách thận trọng hơn.

Bà Liu Peiqian, chuyên gia kinh tế Trung Quốc từ ngân hàng đầu tư NatWest Market bình luận: "Trong quý III, giới chức Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy các cải cách dài hạn, chấp nhận đánh đổi mức tăng trưởng ngắn hạn để đạt mục tiêu cải tổ nền kinh tế".

Ngay từ trước khi công bố số liệu quý III, phần lớn các ngân hàng hàng đầu đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm với kinh tế Trung Quốc, đa phần ở mức 7,7 - 8,2%, dù vẫn cao hơn mục tiêu chính thức của nước này là 6%, nhưng được dự báo có thể mang tác động lan truyền lên kinh tế toàn cầu.

"Gáo nước lạnh" với thị trường bât động sản và xây dựng

Việc Bắc Kinh thắt chặt quy định với giới phát triển bất động sản (BĐS), còn được gọi là quy định "3 lằn ranh đỏ" nhằm ngăn ngừa nguy cơ bong bóng, đã kéo theo thị trường xây dựng lao dốc, cũng như đưa bong bóng nợ của các ông lớn như Evergrande lộ diện. Đây là một vấn đề đặc biệt gây chú ý, trong bối cảnh các lĩnh vực BĐS và xây dựng chiếm tới khoảng 1/4 quy mô nền kinh tế số 2 thế giới, theo ước tính của Goldman Sachs.

Nền kinh tế số 2 thế giới trước hàng loạt thách thức trong giai đoạn cuối năm - Ảnh 1.

Khủng hoảng nợ của các ông lớn như Evergrande tạo áp lực kéo lĩnh vực xây dựng sụt giảm trong quý III (Nguồn: CNBC)

Trong quý III, đầu ra của lĩnh vực bất động sản sụt giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên kể từ quý I/2020 - thời điểm cả nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm do ảnh hưởng từ đại dịch. Doanh số bán nhà trong các tháng 8 và 9 cũng lao dốc tới 2 con số, trong khi đây thường là giai đoạn việc mua bán nhà đạt đỉnh trong năm tại Trung Quốc. Ngành xây dựng cũng chịu chung số phận với mức giảm 1,8% trong quý III. Tháng 9 cũng ghi nhận sản lượng các hàng hóa đầu vào phục vụ cho xây dựng như xi măng và thép sụt giảm.

Doanh số bán nhà lao dốc đang bị lo ngại có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn trên thị trường: việc này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu vốn của nhiều đơn vị BĐS, buộc họ phải tăng cường chiết khấu, giảm giá nhà mới nhiều hơn nữa để bán cắt lỗ, kéo theo giá nhà trên toàn thị trường tiếp tục đi xuống.

Nền kinh tế số 2 thế giới trước hàng loạt thách thức trong giai đoạn cuối năm - Ảnh 2.

Giá bán nhà đang sụt giảm tại hơn một nửa số tỉnh thành của Trung Quốc (Nguồn: CNBC)

Với nhiều người dân có thói quen tích lũy tài sản dưới dạng BĐS như ở Trung Quốc, nguy cơ nhà đất mất giá sẽ càng khiến người mua thêm dè dặt khi đặt bút ký. Họ không muốn mất trắng khoản tiết kiệm cả đời nếu mua các căn nhà chưa hoàn thiện và chủ đầu tư bất thình lình vỡ nợ.

Cú sốc từ tình trạng thiếu hụt năng lượng

Nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc cũng đang phải vật lộn với vấn đề thiếu điện nghiêm trọng, với hơn 20 tỉnh thành xuất hiện tình trạng nhà máy phải giảm công suất hay thậm chí tạm đóng cửa vì thiếu điện. Chỉ số PMI ngành sản xuất nước này trong quý III tụt xuống dưới 50 điểm, lần đầu tiên kể từ sau đại dịch. 50 được xem là mức phân định giữa mở rộng và thu hep quy mô hoạt động sản xuất.

Nền kinh tế số 2 thế giới trước hàng loạt thách thức trong giai đoạn cuối năm - Ảnh 3.

Nhiều nhà máy tại hơn 20 tỉnh thành phải cắt giảm sản xuất hoặc tạm đóng cửa do thiếu điện (Nguồn: Nikkei)

Thực tế, vấn đề thiếu điện đã nhen nhóm với các cơ sở công nghiệp lớn ngay từ cuối năm 2020 và bắt đầu lan rộng kể từ tháng 3 năm nay. Một phần nguyên nhân xuất phát từ sự phục hồi quá nhanh các hoạt động sản xuất của Trung Quốc sau đại dịch. Tiêu thụ điện của nước này 8 tháng đầu năm đã tăng tới hơn 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên sản lượng điện lại chỉ tăng hơn 10%, gây mất cân bằng nghiêm trọng trên thị trường điện.

Nguồn cung thắt chặt đối với than - nhiên liệu đầu vào chủ lực của ngành điện Trung Quốc cũng gây áp lực lên các nhà máy điện. Từ đầu tháng 10, giá than nhiệt liên tục lập kỷ lục mới trên sàn hàng hóa, sau khi tỉnh Sơn Tây, vốn là vùng sản xuất than hàng đầu của nước này xảy ra lũ lụt lớn. Thiếu hụt buộc Trung Quốc tăng cường mua than từ thị trường quốc tế, kéo giá than nhập khẩu tăng vọt hơn 40% chỉ trong vòng hơn một tháng qua.

Nền kinh tế số 2 thế giới trước hàng loạt thách thức trong giai đoạn cuối năm - Ảnh 4.

Thiếu hụt nguồn cung kéo giá than tăng vọt tại Trung Quốc trong quý III (Nguồn: Nikkei)

Dù nước này đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung điện, tình hình được dự báo sẽ còn khó khăn cho tới cuối năm, mà một nguyên nhân đến từ chính sách siết chặt tiêu thụ điện để thực hiện mục tiêu về môi trường từ vài năm gần đây. Nhiều tỉnh thành đã ban hành chính sách cắt điện luân phiên để đảm bảo điện cho người tiêu dùng vào mùa đông, trong khi các nhà máy đã tiêu thụ gần hết hạn ngạch sử dụng điện cũng buộc phải giảm công suất.

Thị tường toàn cầu cũng đã cảm nhận được sức nóng từ vấn đề này, trong đó có lĩnh vực chip bán dẫn vốn đang khủng hoảng nguồn cung suốt năm nay. Ít nhất 2 đối tác linh kiện của Apple tại Trung Quốc thừa nhận đang hoạt động cầm chừng do thiếu điện, trong khi 3 đơn vị khác của Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất chip và linh kiện cho Apple và Tesla, đã gửi cảnh báo về việc buộc phải ngừng sản xuất tại một số nhà máy Đại lục.

Quý IV nhiều sóng gió và chính sách thận trọng của giới chức Trung Quốc

Một điểm sáng trong quý III đến từ việc lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ổn định. Số liệu tháng 9 cho thấy xuất khẩu tăng tới 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo của các chuyên gia, thặng dư thương mại cũng tiếp tục tăng kỷ lục.

Nhu cầu hàng hóa Trung Quốc tiếp tục mạnh mẽ, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế mới nổi như tại Đông Nam Á chứng kiến các lệnh đóng cửa do đợt dịch Covid-19 mới. Nhiều nhà bán lẻ tại Mỹ và châu Âu cũng tăng cường nhập khẩu trong giai đoạn này, nhằm dự trữ cho mùa mua sắm cuối năm, phòng ngừa các gián đoạn mới từ chuỗi cung ứng.

Nền kinh tế số 2 thế giới trước hàng loạt thách thức trong giai đoạn cuối năm - Ảnh 5.

Xuất khẩu tăng vọt tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Trung Quốc quý III (Nguồn: CNBC)

Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là "giới chức Trung Quốc sẽ chưa thấy sự cấp thiết cần thúc đẩy các biện pháp kích thích kinh tế", theo nhận định của ông Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế trưởng quỹ Pinpoint Asset Management. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng vừa ấn định tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp hơn dự báo, nhằm ứng phó với việc đồng tiền này tiếp tục mạnh lên trong năm nay.

Lĩnh vực tiêu dùng tháng 9 cũng chứng kiến đà phục hồi tích cực, tăng trưởng tới 4,4% so với mức 2,5% của tháng 8. Điều này đến từ việc giới chức bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên nhìn chung, mảng tiêu dùng và dịch vụ quý III chịu tác động mạnh từ đợt dịch COVID-19 lớn nhất tại Trung Quốc trong hơn 1 năm qua, khi nước này tiếp tục theo đuổi chính sách "Zero Covid", ngăn chặn không để phát sinh ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Nền kinh tế số 2 thế giới trước hàng loạt thách thức trong giai đoạn cuối năm - Ảnh 6.

PBOC được dự báo sẽ không vội vàng tăng cường kích thích kinh tế trong cuối năm 2021 (Nguồn: CNN)

Trong lần đầu lên tiếng về về vụ việc Evergrande, Thống đốc PBOC Dịch Cương đã bày tỏ lạc quan rằng rủi ro từ ông lớn này là "có thể kiểm soát" và sẽ không tạo hiệu ứng lan rộng. Đây là tín hiệu giới chức sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt với thị trường BĐS thời gian tới. PBOC đã không tăng mạnh việc bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính hồi tuần trước, đồng thời chỉ đạo ngân hàng đảm bảo tín dụng cho mảng bất động sản "một cách ổn định và trật tự".

Trong bài phát biểu mới đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhận định: "Tuy tăng trưởng của Trung Quốc có chững lại một chút, nhưng chúng tôi có niềm tin rằng mình sẽ đạt được các mục tiêu phát triển chung trong cả năm". Và dù giới chức Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn với mục tiêu tăng trưởng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn đưa ra dự báo ở mức 8%, cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế số 2 thế giới bất chấp các thách thức cuối năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước