Đồng Rub lại tiếp tục trượt giá trong những ngày qua, bất chấp sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga. Theo các chuyên gia kinh tế, đà trượt dốc này là hệ quả của bối cảnh chính trị, lệnh trừng phạt của phương Tây và sự suy giảm của giá dầu. Nhiều người dân lo ngại rằng, sự suy yếu của đồng Rub sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Giá dầu lao dốc trong nửa năm qua, từ 100 USD xuống có lúc chỉ hơn 80 USD/thùng, khiến ngân sách Nga thất thu nặng nề. Ước tính, mỗi một USD giá dầu giảm ngân sách Nga sẽ mất khoảng 80 tỷ Rub, tương đương gần 2 tỷ USD. Áp lực này đang đè nặng lên nền kinh tế Nga khi đồng Rub đang mất giá 20% so với đồng USD. Từ đầu tháng 10 đến nay, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải chi tới 13 tỷ USD để ổn định tỷ giá đồng Rub.
Ông Dmitry Polevoy, chuyên gia phân tích Ngân hàng ING Eurasia cho biết: "Tỷ giá của đồng Rub hiện nay đang mang tính định giá cơ bản của nội tệ trong điều kiện giảm giá dầu. Sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương vào quá trình này sẽ không có giá trị đáng kể. Điều cần thiết hơn là tìm cho đồng Rub một sự cân bằng mới tương ứng với điều kiện hiện tại".
Theo các chuyên gia, chính tâm lý lo sợ của người dân Nga cũng đang đẩy đồng Rub trượt giá, khi mà ngày càng nhiều người tích cực mua và tích trữ ngoại tệ thay vì nội tệ. Một số ý kiến cho rằng, có thể Nga sẽ gia tăng sản lượng xuất khẩu dầu để kéo giá trị đồng Rub trở lại.
Mặc dù kinh tế Nga phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ nhưng với lượng dầu dự trữ vốn có và kế hoạch thả nổi nội tệ, Nga có thể giảm nhẹ cú sốc khi giá dầu xuống thấp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nga mới đây lưu ý rằng, Nga sẽ buộc phải mở Quỹ dự trữ nếu như tình hình giá dầu và tỷ giá ngoại hối của đồng Rub tiếp tục giảm trong năm 2015.