Truyền thông Nga đã dẫn thông báo từ Điện Kremly về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Putin với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan vào ngày 27/9 về tình hình xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Theo Tổng thống Nga, điều quan trọng nhất lúc này là phải làm mọi thứ để ngăn leo thang các hoạt động thù địch.
Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn và bắt đầu đàm phán nhằm tìm lối ra cho xung đột. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp của Armenia, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có nhiều ảnh hưởng với Azerbaijan, để thảo luận về khả năng ngừng bắn.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh LB Nga Dmitry Medvedev, cần thiết phải sử dụng tất cả các cơ hội để vượt qua khủng hoảng ở Nagorno-Karabakh, cả thông qua việc huy động nhóm OSCE của Minsk cũng như hình thức song phương với Nga, vì thực tế cả Armenia và Azerbaijan đều là các nước láng giềng và đối tác thân thiết của Nga.
Lực lượng Azeri nã pháo trong cuộc giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan, hình ảnh công bố ngày 28/9 - Ảnh: Reuters
Căng thẳng giữa hai quốc gia vùng Kavkaz lúc này là tiêu điểm lo ngại của Nga. Moscow đang đẩy mạnh vai trò trung gian, với tư cách là quốc gia đối tác, lẫn sứ mệnh của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong nỗ lực hòa giải giữa Baku và Erevan.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi lãnh đạo các nước Azerbaijani và Armenia thực hiện ngay lập tức những bước đi nhằm thiết lập ngừng bắn tại khu vực tranh chấp.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ tổ chức những cuộc thảo luận khẩn cấp theo hình thức họp kín trong ngày hôm nay để bàn về vấn đề trên.
Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng cảnh báo căng thẳng tại Nagorno- Karabakh có nguy cơ leo thang và gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa sự ổn định của khu vực. EU kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt hành động thù địch, nhằm làm giảm căng thẳng trong khu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!