Dây chuyền kiểm tra và đánh dấu bằng laser tại nhà máy pin lithium-ion Liotech. (Ảnh: Sputnik)
Đây là thông tin do Phó Thủ tướng Nga Denis Manturov công bố.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Interfax, ông Manturov lưu ý rằng Nga sở hữu một trong những trữ lượng khoáng sản lớn nhất thế giới bao gồm kim loại đất hiếm.
"Chúng tôi đứng thứ hai thế giới (về trữ lưỡng kim loại đất hiếm) sau Trung Quốc. Cơ sở nguyên liệu thô trong nước có khả năng đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của ngành công nghiệp Nga, bao gồm cả việc vận hành các mỏ mới và xây dựng chu trình xử lý nguyên liệu thô hoàn chỉnh nhất", Phó Thủ tướng Manturov, người đứng đầu Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga cho biết.
Theo quan chức này, Nga sẽ tập trung chủ yếu vào sản xuất lithium khi nước này tìm cách trở thành một trong những nhà sản xuất "vàng trắng" hàng đầu thế giới và "không gặp vấn đề gì với việc xử lý" kim loại này.
Ông Manturov thông tin, Nga có trữ lượng lithium rất lớn, đồng thời tiết lộ kế hoạch triển khai khai thác khoáng sản này tại một số mỏ ở vùng Viễn Đông Zabaikalsky Krai của Nga trong năm nay.
"Chúng tôi có đủ năng lực cần thiết để xử lý lithium tại một số nhà máy. Tổng sản lượng lithium sản xuất sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước vào năm 2025 và đến năm 2030 đáp ứng đồng thời cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu", Phó Thủ tướng Nga nêu rõ.
Vào tháng 4, người đứng đầu Bộ phận Luyện kim thuốc Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga, ông Vladislav Vasiliyev, đã công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất nguyên liệu lithium đầu tiên vào năm 2026.
"Nếu chúng tôi đạt được công suất tối đa trong vòng ba năm, chúng tôi sẽ không chỉ không còn phụ thuộc vào nhập khẩu mà còn dư thừa khối lượng sản xuất", ông Vasiliyev nói.
Nhu cầu về lithium ngày càng tăng trên khắp thế giới vì nó được sử dụng để sản xuất pin thiết yếu cho hầu hết các thiết bị điện tử tiêu dùng và xe điện. Bên cạnh đó, lithium được Liên hợp quốc coi là "trụ cột cho nền kinh tế không sử dụng nhiên liệu hóa thạch", vì nó được kỳ vọng là biện pháp chính để lưu trữ năng lượng trong lưới điện sạch của tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!